Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài cuối: Kinh nghiệm từ những xã làm trước

28/06/2019 16:16

Hải Dương là tỉnh đi đầu cả nước về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Những kinh nghiệm của các xã đi trước là thực tiễn quan trọng để các địa phương học hỏi, áp dụng.

Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài 1: Tinh gọn bộ máy


Đội ngũ cán bộ ở phường Văn Đức nhanh chóng bắt nhịp công việc

Cán bộ thông, dân đồng thuận

Mấu chốt trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân phải hiểu và đồng thuận. Muốn vậy phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ; tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập.  

Mặc dù các xã của huyện Kinh Môn không nằm trong diện sắp xếp lại đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, song để lập đề án thành lập thị xã Kinh Môn, huyện đã chủ động thực hiện việc này. Sáp nhập 2 xã Phạm Mệnh và Thái Sơn để thành lập phường Phạm Thái; nhập 2 xã Phúc Thành và Quang Trung để thành lập xã Quang Thành.

Huyện Kinh Môn xác định phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ của các xã sáp nhập. Huyện tổ chức họp với Đảng ủy của 4 xã để truyền đạt chủ trương, lắng nghe ý kiến, giải thích lợi ích của việc sáp nhập và giao nhiệm vụ cho từng địa phương. 

Ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Sau khi được huyện giao nhiệm vụ, Đảng ủy đã phổ biến đến cán bộ, đảng viên, giao việc cho từng tổ chức, cá nhân người đứng đầu. Cùng với tuyên truyền trên loa truyền thanh, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị vận động nhân dân, giúp hội viên hiểu rõ sự cần thiết phải sáp nhập xã. Đối với những xóm, thôn người dân còn băn khoăn, lãnh đạo xã trực tiếp xuống họp cùng bà con để tuyên truyền, giải thích. Thăm dò thấy lòng dân đã thuận, xã thành lập tổ lấy ý kiến cử tri, cử cán bộ đến từng nhà phát phiếu xin ý kiến. Nhờ đó hơn 97% số người dân ở 3 thôn Đồng Quan, Tống Thượng và Xạ Sơn đồng thuận. Từ kết quả lấy ý kiến cử tri, đầu tháng 4.2019, HĐND xã Quang Trung đã ra nghị quyết đồng thuận sáp nhập với xã Phúc Thành thành xã Quang Thành.

Theo ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, lúc đầu triển khai không chỉ người dân mà cán bộ cũng nảy sinh nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khó khăn mấy cũng phải quyết tâm thực hiện. Muốn dân đồng thuận trước hết cán bộ, đảng viên phải thông. Trên dưới đoàn kết, mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một tuyên truyền viên đến từng gia đình, họ hàng, người thân mình. Qua lấy ý kiến cử tri, hơn 92% số người dân Phúc Thành đồng ý sáp nhập.

Sắp xếp cán bộ hợp lý

Sắp xếp, bố trí công tác hợp lý đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập là mấu chốt thành công cũng như tạo sự ổn định, phát triển của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.

Cùng với sự kiện thành lập TP Chí Linh, từ ngày 1.3, phường Văn Đức chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Kênh Giang và Văn Đức. Đây là đơn vị hành chính cấp xã đầu tiên trong cả nước thực hiện sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Khi có chủ trương sáp nhập, TP Chí Linh nhận rõ bên cạnh sự đồng thuận cũng có không ít băn khoăn, nổi bật là việc sắp xếp, bố trí công tác đối với đội ngũ cán bộ xã hiện tại. Nếu tháo được nút thắt này, những vướng mắc khác sẽ được giải quyết.

Lãnh đạo TP Chí Linh đã gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng từng cán bộ 2 xã Kênh Giang, Văn Đức. Tiến hành rà soát chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ để sắp xếp bộ khung lãnh đạo phường mới. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường Văn Đức, qua rà soát, TP Chí Linh đã lựa chọn phương án sắp xếp 2 cán bộ Văn Đức sẽ có 1 cán bộ Kênh Giang. Đã có 7 cán bộ của xã Kênh Giang cũ được sắp xếp vào các vị trí mới của phường. Số cán bộ dôi dư còn lại, tùy theo chuyên môn và năng lực được bố trí về các phòng, ban của UBND thành phố, Thành ủy Chí Linh, các phường, xã khác. Sau sáp nhập, bộ máy hành chính phường Văn Đức giảm được 14 biên chế so với tổng số hai xã trước kia. Thời gian đầu nhiều cán bộ còn lúng túng trong tiếp cận công việc mới. Nhưng do tính toán kỹ lưỡng nên họ đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc.

Để người dân được hưởng lợi là mục tiêu lớn trong sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, các địa phương cần quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, giao thông, nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cách để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Từ khi lên phường, hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp giao thông ở phường Văn Đức được triển khai nhằm kết nối với các khu vực lân cận, mở ra cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt cây cầu kết nối khu dân cư Kênh Giang dự kiến hoàn thành đầu năm học mới sẽ chấm dứt những khó khăn, cách trở về địa lý.

Ngoài ra, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là việc làm cần thiết. Qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở để tháo gỡ, tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận thực hiện nhiệm vụ chính trị chung.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài cuối: Kinh nghiệm từ những xã làm trước