Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài 1: Tinh gọn bộ máy

26/06/2019 07:06

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp bộ máy quản lý ở cơ sở tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.


Xã Quyết Thắng chuẩn bị lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập với các xã Ứng Hòe, Ninh Hòa (cùng huyện Ninh Giang)

Giảm đầu mối

Thực tế cho thấy, những năm qua, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối. Với đơn vị hành chính cấp xã có quy mô, diện tích quá nhỏ rất “tốn” người quản lý; các xã nhỏ cũng không hỗ trợ nhau phát huy được thế mạnh của mình. 

Xã Quyết Thắng (Ninh Giang) có diện tích trên 3,4 km2, dân số chỉ 3.345 người. Dân số của xã này thậm chí chưa bằng của thôn Đọ Xá, xã Ứng Hòe ở ngay cạnh. Nhỏ như vậy nhưng Quyết Thắng vẫn có 16 biên chế cán bộ, công chức và một số lao động hợp đồng. Mỗi năm, ngân sách phục vụ chi thường xuyên ở đây hết khoảng 1,4 tỷ đồng. Theo phương án của tỉnh, 2 xã Quyết Thắng và Ninh Hòa sẽ sáp nhập vào xã Ứng Hòe. Khi giảm dần theo lộ trình và thực hiện số lượng cán bộ theo quy định, việc sáp nhập các địa phương trên sẽ giúp giảm tổng số cán bộ, công chức tại 3 địa phương này từ 51người hiện nay xuống còn 20 người. Đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Quyết Thắng cho biết: “Địa phương đã niêm yết danh sách cử tri và chuẩn bị các bước để lấy ý kiến về phương án sáp nhập. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Trung ương nên Đảng ủy đã quán triệt cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, vận động để nhân dân địa phương đồng thuận cao, thực hiện thật tốt”.

Tỉnh ta hiện có 38 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Các xã nhỏ này thực hiện theo quy định về xã loại 3 có tối đa 21 cán bộ, công chức và 19 cán bộ không chuyên trách. Bình quân ngân sách cấp cho mỗi xã từ 2,5-3,5 tỷ đồng mỗi năm, chỉ thấp hơn 200-500 triệu đồng đối với các xã lớn hơn gấp 4-5 lần. Chưa kể mỗi xã dù nhỏ, dân số chưa bằng 1 thôn của xã lớn cũng đều có hệ thống các trường học từ mầm non tới THCS tương ứng và 1 trạm y tế với bộ máy quản lý, viên chức làm việc riêng.

Cùng với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã chưa bảo đảm 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích, các trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng sẽ được sắp xếp, sáp nhập cho phù hợp. Sau sáp nhập, đầu mối các xã, các trường, trạm y tế đều giảm. Bộ máy cán bộ quản lý cũng bớt cồng kềnh so với trước.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các bước để tiến hành sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Theo quy định, chậm nhất 5 năm kể từ ngày thực hiện sáp nhập, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm đúng quy định. Khảo sát của Sở Nội vụ cho thấy, sau khi sáp nhập 53 đơn vị hành chính cấp xã thành 22 đơn vị thì số lượng cán bộ, công chức ở các địa phương sẽ giảm được khoảng 450 người. Huyện Ninh Giang là địa phương có nhiều xã phải sắp xếp nhất tỉnh trong giai đoạn này. 14 xã trong huyện sẽ sáp nhập lại còn 6 xã và giảm được 129 cán bộ, công chức xã.


Huyện Cẩm Giàng triển khai sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã thành 2 đơn vị

Nâng cao chất lượng cán bộ

Cùng với tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Công việc tại các địa phương sau sáp nhập sẽ nhiều và yêu cầu cao hơn trước. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, phục vụ người dân tốt hơn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức các xã này phải có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất. Việc tổ chức cán bộ không thể mang tính cơ học mà phải có sự sàng lọc, nâng cao chất lượng. Hiện các địa phương đều tiến hành rà soát đánh giá, phân loại cán bộ công chức để xây dựng phương án sắp xếp, xác định vị trí việc làm. Cán bộ, công chức dôi dư có những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẽ giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế. Các nơi đều xác định thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính các xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, một số địa phương còn lấy việc triển khai, thực hiện chủ trương trên là tiêu chí để đánh giá, sắp xếp cán bộ sau này.

Về lâu dài, khi được sáp nhập thành xã rộng hơn, có quy mô dân số lớn hơn, để đạt được sự tín nhiệm của đông đảo đảng viên và cử tri, mỗi cán bộ xã đều phải cố gắng nâng cao trình độ, năng lực công tác. Đây là thách thức đối với nhiều cán bộ bởi tâm lý, tư tưởng cục bộ dòng họ, địa phương, song cũng là cơ hội để cán bộ rèn luyện, thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. 

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã gắn với tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động thực sự cần thiết và cấp thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và của tỉnh.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Lợi ích việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Bài 1: Tinh gọn bộ máy