Trẻ dễ thấy buồn chán trong thời gian nghỉ hè nên phụ huynh thường lo lắng "kiếm gì cho chúng nó chơi" mà quên mất rằng để trẻ ngồi không cũng có những lợi ích.
Các chuyên gia giáo dục trẻ em cảnh báo, khi cha mẹ quá sốt sắng trong việc tạo trò chơi cho con cái, chúng sẽ hình thành thói quen phụ thuộc vào sự sắp đặt của người lớn đến mức khi có một khoảnh khắc rỗi rãi, chúng bồn chồn và không biết phải làm gì vì không quen thuộc. Dần dà, trẻ không quen với quyền tự do lựa chọn và sáng tạo.
Ngược lại, trẻ cần tập làm quen và hiểu rằng sự buồn chán là một cảm giác bình thường của con người.
Nhà tâm lý học lâm sàng Jodi Musoff tại Viện Tâm lý trẻ em Mỹ khẳng định buồn chán giúp trẻ phát triển những kỹ năng quý giá, hình thành khả năng chịu đựng những trải nghiệm không mấy lý tưởng. Sự nhàm chán cũng giúp trẻ phát triển các chiến lược lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính linh hoạt và kỹ năng tổ chức. Sự nhàm chán còn thúc đẩy sự sáng tạo, lòng tự trọng và tư duy độc đáo của trẻ.
Chuyên gia gợi ý cha mẹ làm theo hai điều đơn giản để phát huy tác dụng của khoảng thời gian buồn chán.
Xem xét lịch hè của trẻ cho phù hợp
Trẻ tham gia nhiều hoạt động như học ngoại khóa, cắm trại, các sự kiện thể thao trong hè. Cha mẹ nên điều chỉnh lịch trình cho trẻ, để trẻ có những "khoảng thời gian nhàm chán" và tự thiết kế các hoạt động mà chúng muốn. Đó có thể là bất cứ điều gì như đọc truyện, chơi đồ chơi, vẽ, viết. Một số việc chúng có thể tự làm mà không cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của cha mẹ. Tuy nhiên, không nên cho trẻ lạm dụng thiết bị điện tử trong thời gian này. Điều này sẽ giúp trí óc sáng tạo của trẻ phát triển.
Cần lưu ý, đừng phán xét trẻ. Nên để chúng làm gì chúng thích, với thời gian phù hợp. Đây là lúc để bộ não của trẻ lang thang và khám phá. Nếu trẻ quen được chỉ dẫn, bạn có thể bắt đầu bằng việc đưa ra cho trẻ một vài lựa chọn, để chúng chọn, sau đó quan sát kết quả hoặc động viên trẻ hoàn thành những nhiệm vụ của mình.
Cần khuyến khích sự sáng tạo của trẻ, bởi đó là chìa khóa để đánh bại sự nhàm chán. Hãy hỏi xem trẻ sẽ làm gì trước tiên, cần những nguyên liệu gì và những bước sẽ thực hiện. Cha mẹ có thể dạy trẻ cách lập kế hoạch, giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết mọi vấn đề trong quá trình hoàn thành kế hoạch đó.
Cho trẻ thời gian tương tác với gia đình
Cần lên lịch ít nhất mỗi tuần một lần để gia đình cùng tập trung tại cùng một phòng, nơi mọi người tự mình làm những gì bản thân muốn nhưng tất cả đều ở bên nhau. Điều này có thể bao gồm các hoạt động đọc, vẽ, hoàn thành một dự án trang trí nhà cửa sáng tạo bạn muốn thực hiện, hoàn thành câu đố, làm đồ thủ công. Cả gia đình cũng có thể cùng nhau ra ngoài, tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời một cách tự phát, thoải mái.
Tiến sĩ Jodi Musoff khuyên điều quan trọng là giúp trẻ học cách quản lý sự buồn chán để chúng có thể phát triển tính độc lập và cảm thấy tự chủ đối với hạnh phúc và niềm vui của chính mình.
Để con có một chút thời gian riêng sẽ giúp cha mẹ có thời gian ở bên bạn đời, thay vì tập trung vào việc nuôi dạy con cái 24/7. Đây cũng là thời gian cho chính cha mẹ, giúp tận hưởng cuộc sống một cách có ý nghĩa hơn.
T.H (theo VnExpress)