Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước.
Tư tưởng về thi đua ái quốc và sự hiện hữu của Người đã tạo ra những phong trào thi đua yêu nước hừng hực khí thế của dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khí thế Cách mạng Tháng Tám 1945 của dân tộc được tạo ra từ tư tưởng và ý chí của Hồ Chí Minh thổi vào hồn dân tộc thông qua chủ nghĩa yêu nước. Khi bước vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rằng phải duy trì và thường xuyên tiếp sức cho phong trào của dân tộc, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng bằng tinh thần thi đua yêu nước. Ngày 11.6.1948, Người đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
70 năm qua, mỗi người dân Việt Nam đã thấy và được sống trong phong trào thi đua yêu nước sôi nổi không chỉ trong những năm chiến tranh, mà cả trong những năm hòa bình xây dựng đất nước, với những tấm gương tiêu biểu làm xúc động lòng người. Những khẩu hiệu có sức cổ vũ to lớn không bao giờ quên cứ âm vang mãi trong lòng dân tộc. Chính những phong trào thi đua yêu nước là sức mạnh tạo ra thắng lợi vĩ đại và vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
70 năm qua, lời kêu gọi về lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu trái tim người dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Lời kêu gọi thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức tổ chức và động viên lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của thi đua ái quốc là để “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn". Như vậy, theo Người thi đua ái quốc bản chất không chỉ đơn thuần về lĩnh vực kinh tế mà còn mang bản chất nhân văn, bản chất xã hội, do con người, của con người và vì con người, hướng tới phát triển bền vững vì mục tiêu phát triển con người là: “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.
Người khẳng định: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thi đua yêu nước mang tính nhân dân được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình.
Khi bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chấp nhận sự cạnh tranh. Từ đó xuất hiện những suy nghĩ đơn giản rằng: không còn chỗ cho thi đua, sẽ không còn thấy các phong trào thi đua. Nhưng rồi thực tiễn càng chứng tỏ những nhận thức đơn giản và có phần cực đoan đó không phù hợp, người ta nhận ra rằng cạnh tranh không thể thay thế thi đua. Đảng và nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Đảng và Nhà nước ta đã phát động phong trào thi đua với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giai đoạn 2016-2020. Phong trào đã được các ngành, các cấp, các địa phương hưởng ứng tích cực bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp, liên tục. Tiêu biểu là 3 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau". 3 phong trào này được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Vì Trường Sa, Hoàng Sa"...
70 năm, trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, song vẫn còn đó không ít những khó khăn, thử thách. Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi có được sự cố gắng, ra sức thi đua của tất cả mọi người. Đó cũng là thông điệp quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc 70 năm trước.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN