<b>Mấy ngày gần đây, các thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia trong cả nước náo nức với kết quả thi được các Sở Giáo dục và Đào tạo công bố. </b><br>
Các báo dồn dập đưa tin số lượng các bài thi đạt điểm 10 của các địa phương tăng đột biến so với năm 2016. Nếu như năm trước, cả nước chỉ có 69 điểm 10 thì năm nay con số này được nâng lên gấp hơn 60 lần với 4.178 điểm 10.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Hải Dương. Năm 2016, cả tỉnh không có thí sinh nào đạt điểm 10, số lượng bài thi đạt từ 9 điểm trở lên rất hiếm hoi. Phổ điểm các môn thi năm 2016 của thí sinh Hải Dương ở mức từ 4-7 điểm, có những môn điểm rất thấp như tiếng Anh đa phần từ 2-3 điểm. Năm nay, toàn tỉnh có 99 thí sinh đạt điểm 10 và 2.376 thí sinh đạt từ 9 đến dưới 10 điểm. Tổng số điểm cao tăng đột biến so với năm 2016 có thể khiến các thí sinh vui mừng nhưng cũng đặt ra nhiều lo lắng, băn khoăn.
Câu hỏi đầu tiên nảy sinh là kết quả thi cao như vậy do thí sinh năm nay giỏi đột biến so với năm trước? Do đề thi dễ hơn? Hay do công tác coi thi năm nay còn những kẽ hở? Để nâng cao chất lượng thí sinh thì chỉ một năm học rất khó đạt được kết quả khác biệt rõ rệt tới mức đó. Đề thi các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học, sinh học năm nay được đánh giá là khó hơn năm ngoái. Thời gian làm bài thi ngắn hơn với nhiều câu hỏi gây áp lực cao hơn cho thí sinh. Vậy mà số lượng điểm cao lại rơi vào các môn này. Có lẽ, chỉ còn nguyên nhân cuối cùng hợp lý hơn cả là do cách thức tổ chức thi THPT quốc gia năm nay khác năm trước.
Năm 2016, Hải Dương có 2 cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và trường đại học chủ trì. Các thí sinh thi tại cụm thi đại học lấy điểm xét tuyển vào đại học vốn có lực học tốt hơn nhưng lại đạt kết quả khá thấp. Năm nay, cả thí sinh xét tốt nghiệp lẫn thí sinh xét tuyển vào đại học thi cùng một hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và thi ngay tại địa phương. Phải chăng công tác coi thi không được chặt chẽ bằng năm trước?
Đối với những thí sinh chỉ xét tốt nghiệp thì đỗ điểm cao hay thấp không quan trọng. Nhưng với nhóm thí sinh xét tuyển vào các trường đại học, nhất là các đại học tốp đầu thì việc điểm cao nhiều đặt ra những điều đáng lo ngại. Các trường đại học tốp đầu sẽ khó khăn trong tuyển chọn những người có năng lực tương xứng với điểm số trong hàng loạt hồ sơ có số điểm tương đương nhau. Các hội đồng thi có thể có mức độ coi thi chặt chẽ khác nhau nên năng lực của thí sinh đạt điểm cao ở địa phương này rất khác với năng lực của thí sinh đạt điểm cao ở địa phương khác. Chính vì sự lo ngại này mà ngày càng có nhiều trường đại học tự tổ chức sát hạch năng lực thí sinh bằng nhiều cách như phỏng vấn, trắc nghiệm. Nhưng như vậy vô hình trung ý nghĩa của việc giảm tải một kỳ thi không còn nhiều.
Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục thay đổi cách thức tổ chức thi THPT quốc gia. Điểm số của thí sinh cũng thay đổi theo cách tổ chức. Nhìn vào điểm số này, khó lòng đánh giá được chất lượng giáo dục đang phát triển ra sao để từ đó có sự điều chỉnh chương trình dạy và học cho phù hợp. Việc thay đổi quá nhiều trong cách tổ chức, điểm số thí sinh cao - thấp phập phù khiến kỳ thi này không hoàn toàn thành công trong việc đánh giá đầu ra học sinh THPT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng phương án tổ chức thi ổn định, có lộ trình thực hiện phù hợp để kỳ thi này phát huy được hết ý nghĩa đối với công tác giáo dục, đào tạo. Có như vậy, những điểm cao trong kỳ thi mới mang lại sự vui mừng thật sự vì phản ánh đúng năng lực của học sinh chứ không gây ra nhiều nghi ngờ như hiện tại.
LAM ANH