Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới hàng trăm thí sinh khác cũng "lỡ thời" vì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không phù hợp với vị trí việc làm.
Bạn của tôi đang là giáo viên hợp đồng dạy môn tin học tại một trường tiểu học trong tỉnh. Nhân kỳ thi tuyển giáo viên năm nay, bạn làm hồ sơ đăng ký dự thi. Đáng tiếc, sau vòng 1, bạn nhận được thông báo không đủ điều kiện dự thi vòng 2 vì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không phù hợp với quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bạn buồn rầu tâm sự rằng bao nhiêu năm phấn đấu, miệt mài theo nghề với mong muốn được vào biên chế, nay chỉ vì quy định mới mà lỡ mất cơ hội, thấy tiếc và tủi thân quá.
Tiếc vì không biết đến khi có được chứng chỉ như yêu cầu, có còn cơ hội để thi tuyển vào nơi mình mong muốn nữa không. Tủi vì cùng là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, suốt bao năm vẫn đứng lớp nay bỗng dưng không phù hợp, vậy là công sức học tập để có chứng chỉ cũ trở nên vô nghĩa không phải do lỗi chủ quan. Thông tư 11 mới ban hành ngày 5.4.2021, có hiệu lực từ 22.5, lúc ấy mấy ai nghĩ đến việc phải đi học trong khi bản thân đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm rồi. Giả sử có đi học thì với tình hình dịch phức tạp suốt mấy tháng qua chắc gì đã kịp hoàn thành chương trình để có giấy chứng nhận. Thế nên, gặp thời thế đành ngậm ngùi đứng ngoài cuộc thi tới đây, thiệt thòi đành chịu.
Trường hợp như của bạn tôi không phải cá biệt. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới hàng trăm thí sinh khác cũng giống như bạn, "lỡ thời" vì chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không phù hợp với vị trí việc làm. Có người an ủi tình hình chung cả tỉnh thế, chưa thi đợt này có thể đợi đợt sau, ít nhất thì vẫn còn cơ hội tiếp tục làm hợp đồng. Nhưng nếu như trường mình dự thi có thí sinh khác đủ điều kiện trúng tuyển thì chuyện phải "khăn gói quả mướp" lên đường đi tìm việc chỗ khác là điều không tránh khỏi.
Việc thay đổi chính sách, quy định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn là cần thiết, nhưng thay một cách chóng mặt, không có lộ trình hoặc giai đoạn chuyển tiếp phù hợp lại đẩy đối tượng chịu tác động vào những tình huống bi hài như trên. Mấy năm gần đây, không ít giáo viên trong biên chế cấp tập đi học để có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên, rồi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Chi phí cho học tập không hề nhỏ nhưng lượng kiến thức lại rất ít vì nhiều người chỉ học một cách hình thức, đối phó cho có giấy chứng nhận chứ không phải học để nâng cao hiểu biết. Thậm chí, có khi vừa lấy được chứng chỉ ngoại ngữ, tin học xong thì có quy định tới đây không cần 2 loại chứng chỉ này nữa, gây lãng phí thời gian, công sức, chi phí của người học. Nhiều thầy cô giáo đang dạy THCS còn lo ngại với các môn học mang tính chất liên môn theo chương trình sách giáo khoa mới, tới đây không biết họ có phải tiếp tục đi học để đáp ứng được yêu cầu dạy học "3 trong 1" hay "2 trong 1" nữa hay không?
Trở lại câu chuyện về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo vị trí việc làm, nhiều giáo viên "lỡ thời" mong tỉnh có thể vận dụng linh hoạt quy định, giống như cách làm của một số tỉnh lân cận, hoặc có thể vận dụng cho phép người dự thi được nợ chứng chỉ, bảo lưu kết quả thi tuyển, đợi khi có đủ điều kiện thì công bố trúng tuyển.
Tuy nhiên đây chỉ là mong ước từ phía người dự thi. Thực tế là ngành chức năng vẫn yêu cầu làm đúng quy định.
Mong việc xây dựng chính sách, quy định cho ngành giáo dục nói riêng và các ngành khác nói chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không mang tính hình thức, tránh việc chính sách liên tục thay đổi buộc người trong cuộc phải chạy theo, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của cả Nhà nước và nhân dân.
HOÀI ANH