Câu chuyện rau "rởm" được gắn mác rau VietGAP đưa vào siêu thị ở TP Hồ Chí Minh vừa được báo chí phanh phui không phải là lần đầu tiên xảy ra.
Câu chuyện rau chợ được gắn mác rau VietGAP đưa vào siêu thị ở TP Hồ Chí Minh vừa được báo chí phanh phui đã làm dậy sóng dư luận. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng nhà cung cấp thu mua rau chợ đầu mối rồi dán mác rau VietGAP, rau sạch, rau an toàn. Dư luận đã từng biết đến vụ HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức ở Vân Nội, Đông Anh (Hà Nội) thu mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ đầu mối, sơ chế rồi đem tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Hay vụ Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô.
Sau khi các vụ việc bị phanh phui, các cơ quan chức năng đều ngay lập tức vào cuộc thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các bên liên quan báo cáo. Vấn đề là, tại sao quy định rau an toàn, rau sạch, rau VietGAP rất chặt chẽ, đưa hàng hoá vào được siêu thị cũng không hề dễ dàng, mà các vụ việc tương tự vẫn xảy ra?
Ảnh minh họa
Theo quy định, để đưa sản phẩm vào siêu thị, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu như: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (với ngành nghề yêu cầu); kiểm nghiệm sản phẩm về các chỉ tiêu chất lượng, vi sinh vật, kim loại, nấm; giấy xác nhận công bố chất lượng sản phẩm; đăng ký mã số mã vạch cho vật phẩm. Với sản phẩm đạt được chứng nhận VietGAP thì người sản xuất còn phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn, từ kỹ thuật sản xuất; các yêu cầu về đất, giống, phân bón, nước; đến khâu thu hoạch; tiêu chuẩn về môi trường làm việc... Tất cả để bảo đảm sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Quy định thì rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng, vấn đề là người sản xuất thực hiện thế nào; cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGAP có tuân thủ tất cả các quy định khi cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm. Và quan trọng hơn cả, việc giám sát tất cả những khâu này ai là người thực hiện và thực hiện đến đâu?
Hiện nay, rõ ràng có một sự lỏng lẻo trong khâu giám sát các sản phẩm được gắn mác rau an toàn, rau sạch, rau VietGAP. Ở cấp đầu tiên, đó là người sản xuất, họ có thực sự muốn làm ra sản phẩm thật sự sạch và trung thực khi thực hiện quy trình VietGAP? Ở khâu cấp chứng nhận, khi tổ chức/đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP cũng muốn có nhiều “khách hàng” và “khách hàng là thượng đế” thì việc “nương tay, châm chước” cho “một vài tiêu chí chưa đạt” liệu có xảy ra? Việc quản lý sau chứng nhận do bên thứ ba làm có đúng, có thật sự “công tâm, khách quan” không? Và khi hàng hoá vào đến siêu thị, khâu cuối cùng bảo đảm sẽ phân phối sản phẩm sạch thật sự đến người tiêu dùng, siêu thị có giám sát được nguồn hàng như doanh nghiệp cung cấp đã cam kết?
Quay trở lại câu chuyện tuồn rau chợ gắn mác rau VietGAP vào siêu thị, có thể thấy, ở khâu cuối cùng đã bộc lộ “lỗ hổng” trong giám sát nguồn hàng. Rau vào siêu thị thiếu sự giám sát của chính siêu thị nên mới có chuyện rau chợ đầu mối ngang nhiên vào siêu thị được bán với giá cao, lừa dối người tiêu dùng. Và rau không có nguồn gốc xuất xứ được gắn mác rau an toàn sẽ vẫn có cơ hội vào siêu thị chừng nào siêu thị “gửi trọn” niềm tin vào nhà cung cấp như thế.
Vậy, câu chuyện ở đây chính là, cần thực hiện quản lý, giám sát lẫn nhau trong tất cả các khâu theo nguyên tắc: người sau giám sát người trước, hệ thống phân phối (siêu thị) giám sát nhà cung ứng; nhà cung ứng giám sát nhà sơ chế; nhà sơ chế giám sát nhà trồng trọt (sản xuất). Cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan sẽ thực hiện quản lý nhà nước, làm sao phát hiện kịp thời các vụ việc, để có thể bảo đảm tốt nhất sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng mới có thể sử dụng được sản phẩm sạch thật sự.
XUÂN PHONG