“Lò” chống tham nhũng “cháy” tại Cục Lãnh sự

30/01/2022 10:20

Bà Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và các đồng sự đã trục lợi trên nỗi đau của đồng bào trong cơn đại dịch, làm dư luận phẫn nộ.

Trong năm 2021, khi Nhà nước có chủ trương tổ chức những chuyến bay “giải cứu” người Việt Nam đang bị kẹt lại ở nước ngoài về nước, đã có nhiều thông tin râm ran về các vụ việc không minh bạch.

Nhiều sự ta thán của người dân chắc chắn đến tai các cơ quan chức năng. Ai cũng hiểu, vé một chiều từ Mỹ về Việt Nam lên đến 5.000 - 6.000 USD; từ Singapore về nước cũng phải mất 40 triệu đồng, là vô lý. 

Vì sao có cái giá "cắt cổ" như vậy?

Và đây là câu trả lời: Ngày 28.1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Cơ quan an ninh đã bắt tạm giam 4 người gồm Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, Phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng của cục và Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng bảo hộ công dân của cục này.

Việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can vào những ngày giáp Tết, cho thấy tính chất vụ án rất nghiêm trọng. Trong những vụ án liên quan đến đại dịch Covid-19, cùng với vụ án thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, đây là vụ án lớn thứ 2, gây chấn động dư luận xã hội. 

Nói thẳng ra, tính chất của hai vụ án này là hành vi trục lợi trên nỗi đau của đồng bào trong cơn đại dịch, làm dư luận phẫn nộ.

Đại dịch Covid-19 có quy mô trên toàn cầu, buộc hàng trăm ngàn người Việt đang ở nước ngoài bị kẹt lại, có nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn như các công nhân hết hợp đồng lao động, phải ăn dầm nằm dề ở khách sạn rất tốn kém...

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, từ đầu tháng 12.2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đây là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ. 

Tuy nhiên, những hành vi trục lơi chủ trương này đã làm sai lệch tính nhân đạo của hoạt động “giải cứu” người Việt ở nước ngoài, dù các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, việc giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác. Đó có thể là những chuyến bay rỗng một chiều, là chi phí phòng chống dịch, nhưng "nhiều chi phí khác" có lẽ chỉ Cục Lãnh sự và một số cơ quan liên quan biết.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20.1, báo chí cũng đặt câu hỏi vì sao việc giải cứu công dân mà người dân phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn vô cùng để có một tấm vé hồi hương và đặt vấn đề có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu? Khi đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời: "Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật".

Thực tế khi nhà nước tổ chức những chuyến bay giải cứu đã có dư luận cho thấy có tiêu cực, bởi mua được vé máy bay về nước trong hoàn cảnh đó là hết sức gian nan, thậm chí chấp nhận tiêu cực cũng chưa chắc mua được. Khi đó Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, công dân không nên liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào. Nhưng nếu cứ làm theo lời khuyên đó, một tấm vé về nước còn khó hơn hái sao trên trời!

Về các bị can trong vụ án này, "nổi bật" nhất là bà Nguyễn Thị Hương Lan sinh năm 1974 tại Hà Nội. Tháng 3.2021, bà Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Lãnh sự được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự. Tháng 7-2021, bà được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Lãnh sự.

Trong một bài viết nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống công tác lãnh sự Việt Nam tháng 11.2021, bà Lan đánh giá việc tổ chức những chuyến bay "giải cứu" để đưa công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về nước trong thời gian dịch bệnh Covid-19 của Cục Lãnh sự là một trong những thành tích nổi bật. Cũng trong bài viết này, bà Lan nêu rõ Cục Lãnh sự xác định cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo hộ công dân… Lấy công tác nghiên cứu, xây dựng thể chế làm nòng cốt, cải cách hành chính là khâu đột phá, coi công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ là nền tảng...

Những "thành tích đó", năm 2021, Cục Lãnh sự và cá nhân bà Lan đã được nhận bằng khen về công tác bảo hộ công dân. 

Nhưng, bà Lan nói và viết không như hành động, đã có những hành động vô nhân đạo, trục lợi qua chính những chuyến bay “giải cứu”, nhân đạo của Nhà nước. 

Bà Lan và đồng sự phải trả giá đích đáng!

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Lò” chống tham nhũng “cháy” tại Cục Lãnh sự