Đưa học sinh trở lại trường học an toàn, hiệu quả đang là một trong những vấn đề được cả xã hội quan tâm trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.
Cùng với mọi ngành nghề, lĩnh vực khác, ngành giáo dục đang thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP. Nhiều địa phương đã bắt đầu mở cửa trường học chào đón học sinh trở lại học trực tiếp, một số nơi khác cũng đã lên kế hoạch, xây dựng lộ trình đón học sinh trở lại trường trước và sau Tết âm lịch. Đây thực sự là những tín hiệu tốt đối với không chỉ ngành giáo dục mà đối với cả xã hội, bởi giáo dục không chỉ là chuyện trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài; chăm lo, giáo dục học sinh chính là chăm lo cho tương lai của đất nước.
Đầu tuần qua, Hà Nội đã cho mở cửa trường học đón học sinh lớp 12 thuộc các địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và 2 đến học trực tiếp. Số lượng học sinh đến trường được giới hạn ở mức 50%: một nửa học vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu trong tuần; một nửa học vào thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Các ngày còn lại tiếp tục áp dụng học trực tuyến. Sau hơn nửa năm học online, tâm lý chung của các em đều phấn khởi, vui mừng khi trở lại lớp. Các biện pháp phòng dịch chặt chẽ của nhà trường, từ giãn cách, đo thân nhiệt thường xuyên, rửa tay sát khuẩn… khiến học sinh cũng như phụ huynh yên tâm hơn trong thời gian các em quay lại học trực tiếp.
Tương tự, Đà Nẵng, Long An, Hải Dương, Yên Bái cũng đã cho học sinh một số khối lớp trở lại trường từ ngày 6.12. Trước đó, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã rải rác tổ chức dạy và học trực tiếp, như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa… Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh - “tâm dịch” của đợt dịch thứ tư, đã lên kế hoạch thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trong 2 tuần cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 từ ngày 13.12; lớp mầm non 5 tuổi sẽ đến trường từ ngày 20.12.
Như vậy, có thể thấy, tùy thuộc tình hình dịch, các địa phương trên cả nước đã và đang linh hoạt các phương án đưa học sinh trở lại trường học. Trước hết là ưu tiên cho nhóm tuổi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, các khối lớp cuối cấp và khối lớp 1 có tính chất giáo dục đặc thù, sau đó tiếp tục thí điểm với các khối lớp khác. Mỗi địa phương cũng có phương án riêng kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến và học qua truyền hình, với mục tiêu cao nhất là vừa bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa an toàn sức khỏe cho học sinh.
Lộ trình bình thường mới đối với trường học là một nhu cầu tất yếu. Học sinh trở lại trường không chỉ tốt hơn cho chính các em, mà phụ huynh cũng được “giải phóng” để tập trung vào các công việc, nhiệm vụ của mình vì sự phục hồi chung về kinh tế - xã hội… Tuy vậy, cũng có một số vấn đề đặt ra khi mở cửa trường học cần được lưu tâm, xem xét toàn diện và cần được tiếp tục đốc thúc để những ngày học sinh trở lại trường thực sự an toàn, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, hiện nay tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi vẫn còn hạn chế. Ngay như Hà Nội cũng mới triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ cuối tháng 11 theo lộ trình giảm dần độ tuổi. Việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi thì vẫn đang dừng ở nghiên cứu, xem xét và lên kế hoạch. Tại TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát của ngành giáo dục và đào tạo, hơn 70% phụ huynh lớp 1 không đồng ý cho con đi học trực tiếp do lo ngại dịch bệnh vẫn phức tạp, trong khi con em họ chưa được tiêm vaccine. Chưa kể, có một số học sinh đang mắc COVID-19, đang được cách ly y tế hoặc đang mắc kẹt ở các địa phương khác nên cũng chưa thể đến trường.
Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể mới Omicron đang gây mối lo ngại toàn cầu, tuy nhiên chúng ta không được phép chủ quan. Áp dụng nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh và các mặt đời sống xã hội, nhiều tỉnh, thành cũng đồng thời ghi nhận số ca mắc tăng trở lại trong những ngày gần đây, trong đó có Hà Nội; số ca tử vong cũng có xu hướng tăng trở lại; một bộ phận người dân vẫn lơ là các biện pháp phòng, chống dịch…
Với lứa tuổi học sinh, nhất là các lứa tuổi nhỏ, bên cạnh việc chưa được tiêm vaccine hoặc được tiêm chưa đầy đủ, không có gì đảm bảo các con luôn ý thức và tự giác mọi lúc mọi nơi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại trường học như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… Trong bối cảnh dịch vẫn phức tạp như hiện nay, nguy cơ dịch xâm nhập trường học là không loại trừ. Mới đây thôi, hàng loạt trường học ở Lào Cai phải dừng tổ chức dạy và học trực tiếp do phát hiện một số ca bệnh là học sinh và giáo viên; trong số đó chỉ có giáo viên là đã tiêm 2 mũi vaccine, còn học sinh chưa đủ tuổi tiêm vaccine.
Vì vậy, đưa học sinh trở lại trường học rất cần trách nhiệm và sự linh hoạt của từng địa phương, từng nhà trường. Bên cạnh việc trường lớp phải bảo đảm mọi điều kiện an toàn về y tế theo quy định, mô hình thí điểm dạy và học trực tiếp áp dụng đối với một số khối lớp rồi rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng với các lứa tuổi khác là cần thiết. Đồng thời, nhà trường cần duy trì kết hợp giữa dạy trực tiếp với dạy trực tuyến và dạy qua truyền hình để có thể bao phủ hết mọi đối tượng, bảo đảm tính công bằng một cách tương đối trong giáo dục. Đặc biệt, cần “thần tốc” hơn nữa trong việc bao phủ tiêm vaccine và tiêm chủng an toàn cho học sinh theo lộ trình, kế hoạch. Chỉ khi học sinh được tự bảo vệ, bản thân các em mới có thể hòa mình vào môi trường bình thường mới, phụ huynh cũng mới thật sự yên tâm gửi gắm con em mình cho nhà trường trong bối cảnh những “làn sóng” mới của đại dịch vẫn đang rình rập.
Theo Báo Tin tức