Người dân Palestine ở Dải Gaza sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong công cuộc phục hồi và tái thiết sau xung đột khi quy mô kinh tế của Gaza sụt giảm mạnh, còn tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng lại gia tăng nhanh chóng.
Theo báo cáo ngày 12/9 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nền kinh tế tại Gaza đang bị tàn phá nặng nề sau hơn 11 tháng xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, biến phần lớn Dải Gaza thành đống đổ nát, và quy mô của nền kinh tế sụt giảm mạnh xuống mức chỉ còn chưa đầy 1/6 quy mô của nền kinh tế trước khi xảy ra cuộc xung đột.
Báo cáo cũng mô tả sự suy thoái kinh tế nhanh chóng và đáng báo động ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng kể từ xung đột xảy ra. Dữ liệu của UNCTAD cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Bờ Tây đã tăng lên 32% từ mức 12,9%, đẩy hơn 300.000 người rơi vào tình cảnh mất việc làm kể từ khi xung đột bùng phát.
Ngoài sự suy thoái kinh tế do xung đột gây ra, hoạt động viện trợ quốc tế bị cắt giảm và việc Israel kiểm soát tiền thuế thu hộ Palestine cũng làm gia tăng khó khăn cho các hoạt động kinh tế.
Khi nhấn mạnh cần có một kế hoạch phục hồi toàn diện, UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động ngay lập tức và đáng kể để ngăn chặn tình trạng kinh tế suy thoái, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, qua đó đặt nền tảng cho hòa bình và phát triển lâu dài cho cho Dải Gaza và khu Bờ Tây.