Lao động - Việc làm

Làng xây "tổ ấm"

BẢO ANH 19/12/2023 11:00

Thôn An Lương, xã An Lâm (Nam Sách) được nhiều người gọi là “Làng xây tổ ấm”. Nhiều gia đình ở đây cha truyền, con nối, mấy đời làm thợ xây.

00:00

img_0277.jpg
80% số hộ trong làng An Lương có người làm thợ xây

Làng thợ xây

Ngôi nhà cao tầng giữa làng đang xây là công trình do “gia đình thợ xây” Mạc Văn Phơ đảm nhận. Người làng An Lương giới thiệu như vậy khi chúng tôi tìm về làng thợ xây An Lương vào một chiều cuối năm.

“Họ nói chuẩn. Công trình này do cả nhà tôi xây dựng. Nhà có 6 người thì 5 người làm thợ xây. Hai con trai tôi làm thợ chính, tôi và vợ cùng con dâu làm thợ phụ. Em ruột và ông thông gia cũng đóng góp xây dựng công trình này”. Ông Mạc Văn Phơ có thâm niên hơn 30 năm làm nghề thợ xây vui vẻ giới thiệu. Ông Phơ bảo, không rõ nghề xây dựng ở An Lương được hình thành từ bao giờ nhưng từ nhỏ ông đã theo bố mẹ đi khắp các công trình xây dựng lớn nhỏ trong và ngoài xã. Từ bé đã quen với mùi vôi vữa nên khi trưởng thành ông Phơ nối nghiệp gia đình và đến giờ cũng truyền lại nghề cho các con.

img_0297(1).jpg
Gia đình ông Mạc Văn Phơ có 6 người thì 5 người làm thợ xây

Ở An Lương không hiếm những gia đình cả nhà làm thợ xây. Nhiều gia đình ở đây có tới 3 thế hệ làm nghề. Thợ xây làng An Lương không chỉ đảm nhận các công trình trong làng mà đến khắp các vùng miền trong cả nước. “Nhiều ngôi nhà ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn cho đến Cần Thơ, Bình Dương do những thợ xây làng An Lương đảm nhận”, ông Mạc Văn Trường giới thiệu. Năm nay ông Trường gần 70 tuổi thì có tới nửa cuộc đời cùng nhóm thợ xây của làng phiêu bạt khắp trong Nam, ngoài Bắc.

z4974944048869_f1f60e2485d22349f0999bf3454be4e1.jpg
Nhiều người cao tuổi ở An Lương vẫn cần mẫn theo nghề thợ xây

Thôn An Lương có hơn 600 hộ thì có tới hơn 80% số hộ trong làng có người làm thợ xây. Thợ xây làng An Lương thường chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 5-10 người đảm nhận và ký hợp đồng xây dựng các công trình lớn nhỏ, chủ yếu là nhà ở. Đứng đầu mỗi nhóm thợ là “cai xây”, chịu trách nhiệm tập hợp anh em và tổ chức làm việc theo nhóm sao cho hiệu quả.

Thợ xây giờ đây bớt vất vả hơn trước nên ở làng An Lương ngày càng có nhiều người theo nghề. “Trước đây thợ xây phải làm thủ công vừa chậm lại mất sức. Xây được căn nhà hai tầng phải bưng gạch, chuyển vữa lên các tầng, leo lên leo xuống hàng chục lần nên người già, phụ nữ không mấy ai muốn làm. Bây giờ có máy tời, máy trộn bê tông, giàn giáo được lắp bằng sắt chắc chắn nên cũng đỡ vất vả và giảm tai nạn”, anh Mạc Đức Chung thợ xây lâu năm ở thôn An Lương chia sẻ.

Ở An Lương hiện nay không chỉ người già có kinh nghiệm tay nghề cao mà nhờ ham học hỏi, năng động nhiều thợ trẻ cũng có tay nghề vững. Anh Nguyễn Văn Tuân năm nay mới 27 tuổi nhưng đã được làm thợ cả, đảm nhận các công đoạn khó của công trình. Không chỉ thanh niên, đàn ông làm thợ xây mà ở An Lương nhiều phụ nữ cũng theo chồng làm phụ hồ.

Thu nhập khá

Cuối năm, mùa hanh khô người dân An Lương rủ nhau đi khắp các nơi trong và ngoài tỉnh làm nghề nên về làng chủ yếu gặp người già và trẻ nhỏ. Nghề thợ xây không có ngày nghỉ, rong ruổi theo các công trình, có khi phải xa nhà cả tháng trời. Người xưa thường ví thợ xây vất vả, “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” nhưng bây giờ thì khác. Ông Nguyễn Đắc Vũ năm nay ngoài 70 tuổi, có hơn 30 năm làm thợ xây cho biết: “Thời ông bà tôi nghèo, hết mùa lúa tranh thủ đi xây để có đồng ra, đồng vào nhưng với tôi và nhiều người khác ở An Lương xây dựng đã là nghề chính. Thu nhập mỗi tháng cũng hơn chục triệu đồng”.

img_0284.jpg
Nhờ có nghề xây dựng nên cuộc sống người dân An Lương ngày càng khấm khá

Nhờ nghề này đời sống người dân An Lương khấm khá. Về An Lương, dọc các tuyến đường nhà cao tầng san sát. Nhiều hàng quán dịch vụ được mở ra để phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Danh Tăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Lương cho biết thu nhập bình quân của mỗi thợ xây chính ở An Lương từ 400.000-500.000 đồng/người/ngày, thợ phụ từ 300.000-350.000 đồng/người/ngày. Không chỉ cho thu nhập cao mà còn ổn định nên nhiều người ở An Lương gắn bó với nghề xây dựng từ khi còn trẻ đến lúc về già. Trong thôn, những người từ 60-70 tuổi vẫn cần mẫn theo nghề không hiếm. Họ vừa làm vừa chỉ dẫn cho con cháu kinh nghiệm xây dựng nên thợ xây ở An Lương lành nghề được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến thuê làm.

Anh Nguyễn Văn Tú ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đang hoàn thiện công trình nhà ở nhận xét: “Mặc dù ở TP Hải Dương cũng có nhiều nhóm thợ xây nhưng tôi về tận An Lương nhờ họ xây nhà. Thợ xây của An Lương không những lành nghề, tỉ mỉ mà còn biết cách tính toán để chủ nhà tiết kiệm được tiền vật liệu. Vì thế, dù công thợ của người làng An Lương cao hơn một chút chúng tôi vẫn thuê”.

img_0262.jpg
Nghề thợ xây vất vả và đối diện với nhiều nguy hiểm

Kinh tế khá, người dân An Lương sẵn sàng đóng góp xây dựng các công trình dân sinh. Theo ông Tăng, khi huy động xây dựng các công trình giao thông, văn hóa của làng, các nhóm thợ xây đều tham gia đóng góp.

Dù vất vả, tai nạn lao động luôn rình rập nhưng nhờ biết cẩn trọng, tỉ mỉ và không ngừng hoàn thiện tay nghề nên thợ xây ở An Lương luôn giữ được uy tín, có thu nhập ổn định, cuộc sống khá giả.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Làng xây "tổ ấm"