Công việc đặc thù, vất vả nhưng những người làm công tác khí tượng, thuỷ văn của tỉnh Hải Dương vẫn luôn lặng thầm, miệt mài đong đếm ''nắng mưa'' để phục vụ sản xuất, dân sinh.
Căng thẳng ứng phó với bão lũ
Nước sông Thái Bình vừa rút sau những ngày căng thẳng ở mức báo động, anh Vũ Văn Hậu (sinh năm 1993), Trạm trưởng Trạm Thuỷ văn Phú Lương (TP Hải Dương) lại tất bật dọn dẹp, làm sạch đường đo dẫn ra giếng đo mực nước tự động sát bờ sông. Khi tôi gặp, khắp người anh Hậu vẫn lấm lem bùn đất. Sau hơn 1 tuần trực đầy áp lực nhưng gương mặt anh Hậu vẫn rạng rỡ. Anh phải tranh thủ lúc nước triều lên để dọn lớp bùn dày cả ngang tay. Quá trưa, khi triều xuống, anh Hậu mới lên khu làm việc, tranh thủ ăn vội bắt cơm rồi lại ôm máy tính, tính toán, cập nhật số liệu mực nước.
Anh Hậu làm việc Trạm Thủy văn Phú Lương được hơn 8 năm nhưng tình yêu với nghề thủy văn được nuôi dưỡng, bồi đắp từ khi anh mới chỉ 5 tuổi. Mẹ anh cũng là người trong nghề. Vì đặc thù công việc phải trực nhiều nên thường dẫn anh tới trạm để tiện trông nom. Theo thời gian, những vật dụng, công trình gắn bó với nghề thủy văn như thước đo, máy đo, giếng đo… đã trở nên thân quen với anh Hậu. Cầm tấm bằng cử nhân ngành khí tượng trong tay, anh Hậu hăng hái về làm việc tại Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương. Thế nhưng giữa niềm yêu thích của ước mơ nghề nghiệp ngày bé với áp lực công việc thực tế là khoảng cách rất lớn, cần phải nỗ lực vượt qua.
Làm việc không quản giờ hành chính, không ngày lễ, Tết và anh Hậu cũng chưa một lần nghỉ phép kể từ ngày nhận công tác tại Trạm Thủy văn Phú Lương. Trạm được biên chế 2 người, trực luân phiên mỗi ca trực kéo dài 24 giờ. Còn giai đoạn thời tiết đặc biệt thì phải trực toàn bộ quân số. Ngoài anh Hậu, trạm còn có 1 nhân viên nữ nhưng vì đã lớn tuổi nên anh thường xuyên hỗ trợ. Vì thế mà quỹ thời gian dành cho gia đình của anh Hậu lại càng eo hẹp.
Trạm Thủy văn Phú Lương nằm ngoài bãi đê hữu sông Thái Bình. Những ngày khi thời tiết không có diễn biến bất thường, anh Hậu làm nhiệm vụ quan trắc mực nước 4 lần/ngày vào các khung giờ 1, 7, 13 và 19 giờ. Khi có báo lũ thì tần suất lấy số liệu dày đặc hơn, 2 giờ, 1 giờ rồi 30 phút/lần. Số liệu thu thập phải được truyền ngay về Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để phục vụ cho việc thông tin, dự báo.
Đợt bão số 3 và mưa lũ sau bão là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ đối với anh Hậu. Trạm nằm lẻ loi ngoài bãi sông, gió mạnh dữ dội gây mất điện khiến anh không thể lấy số liệu từ máy đo tự động mà phải đo thủ công. Điện mất, sóng chập chờn rồi điện thoại cũng hết pin. Không màng huy hiểm vì gió bão, anh Hậu chạy sang khu dân cư để nhờ vả. Rồi khi mực nước sông Thái Bình dâng cao, mấp mé bờ đê. Anh Hậu tuy cao ráo nhưng lội xuống vẫn ngang người. Anh phải dò dẫm từng bước tới bờ sông để lấy thông số mực nước thực đo. Lũ báo động cấp 3, cứ 30 phút phải báo cáo mực nước. Vì thế khi quay về, nhập xong số liệu, chưa kịp thay quần áo đã lại ra giếng đo. Áp lực, căng thẳng dồn dập song anh Hậu vẫn lạc quan. Anh tếu táo cười nói: “Đợt lũ vừa qua, tôi giảm hẳn 4 kg vì bận quá, ngày chỉ ăn có 1 bữa. Ngày thường cũng chăm chỉ tập luyện mà không ăn thua”.
Nếu như bên thủy văn phần lớn là cánh mày râu đảm nhận thì ngành khí tượng lại chủ yếu là chị em gắn bó. Trạm Khí tượng Chí Linh nằm lỏm loi trên đỉnh đồi ở phường Sao Đỏ. Trông nom, vận hành trạm đều là 3 nhân viên nữ. Sở dĩ trạm nằm tách biệt là để giảm các yếu tố bên ngoài tới những thông số đo về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa. Công việc hằng ngày của họ là cập nhật số liệu, truyền tải về đài trung tâm để phục vụ cho việc thông tin, dự báo tình hình thời tiết. Nghe có vẻ đơn giản, thậm chí có phần nhàm chán song nếu không đủ kiên nhẫn thì khó có thể bám trụ với nghề.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (sinh năm 1994) là thành viên nhỏ tuổi nhất trạm. Quê ở huyện Ba Vì (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp đại học, chị Dung được điều động tăng cường về Trạm Khí tượng Chí Linh. Những ngày đầu về trạm, chị có phần bỡ ngỡ, lạc lõng. Chị chia sẻ: “Trạm xa khu dân cư nên cũng buồn tẻ, trực đêm cũng lo lắng, bất an. Nhiều khi chị em còn tá hỏa vì những vị khách không mời mà đến là rắn, rết… Thế nhưng lâu thì thành quen mà quen rồi lại gắn bó khó thể xa rời”.
Chị Dung về Hải Dương lập nghiệp rồi an cư ở tại đây luôn. Vì công việc khác biệt nên chị phải cân đối thời gian giữa việc nhà và việc cơ quan. Ca trực kéo dài suốt 24 tiếng với những người đã làm vợ, làm mẹ nhiều khi khiến chị Dung sốt ruột. Mặc dù vậy, chị vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được lơ là, chểnh mảng. Chỉ cần sai sót nhỏ, hay chậm trễ trong thu thập thông tin cũng sẽ làm sai lệch số liệu, ảnh hưởng tới việc dự báo. Do đó, trước thời điểm quan trắc, chị Dung đều phải kiểm tra cẩn thận, tỉ mỉ các thiết bị đo. Là ngành khoa học về nguyên tắc không được đánh giá theo cảm quan. Tuy nhiên, người làm khí tượng vẫn vận dụng linh hoạt giữa kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tế để nhận định.
Vui, buồn với nghề
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có 2 trạm khí tượng và 7 trạm thủy văn trực thuộc. Nhiệm vụ của các trạm là thu thập, xử lý số liệu thô về tình hình khí tượng, thủy văn, phục vụ công tác dự báo thời tiết. Đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực khác nhưng người làm khí tượng, thủy văn vẫn luôn trăn trở với nỗi niềm riêng. Có chuyện vui, buồn chỉ những người trong nghề mới thấu hiểu, chia sẻ và thông cảm cho nhau.
Ông Nguyễn Kim Sỹ (sinh năm 1965) đã gắn bó với Trạm Thủy văn Bá Nha (Thanh Hà) được hơn 36 năm. Do vậy, ông Sỹ thấm thía, nếm trải hết những khó khăn, vất vả của nghề. Tuổi đã cao, công việc hay trực đêm còn thêm phần nguy hiểm khi vào mùa bão lũ, có lúc ông Sỹ cũng muốn lui về để lớp trẻ cống hiến. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy cũng chỉ thoáng qua và khiến ông càng có thêm động lực tiếp tục yêu nghề, bám trạm.
Ông Sỹ trải lòng: “Nhiều năm theo nghề, tôi chứng kiến những thay đổi của ngành khí tượng, thủy văn song như thế vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của xã hội, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Tôi luôn mong muốn ngành được quan tâm, đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo cũng như tạo thuận lợi cho anh em trong công việc”.
Tiếp lời ông Sỹ, anh Nguyễn Huy Tú, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Bá Nha cũng trải lòng: “Đôi lúc anh chị em cũng rất tâm tư vì có người vẫn chưa biết, không hiểu hết về công việc khí tượng, thủy văn. Không chỉ vất vả, nguy hiểm mà còn áp lực vì đằng sau là cả những tính toán, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội căn cứ trên số liệu thời tiết. Bất kỳ ngành nghề gì cũng có khó khăn riêng nhưng với nghề này ngoài bản lĩnh, trí tuệ thì phải có sự lăn xả, đam mê”.
Trạm Thủy văn Bá Nha là trạm tiền tiêu nên ngoài việc đo mực nước, trạm còn thêm nhiệm vụ đo lượng mưa, lưu tốc dòng chảy, độ mặn, tỷ lệ phù sa... Công việc nhiều hơn các trạm khác nên ai cũng phải nỗ lực để đưa thông tin chính xác, kịp thời về trung tâm. Đợt bão số 3 vừa qua, trạm bị tốc hơn 200 m2 mái, nước mưa tràn vào nơi làm việc. Ai cũng lo lắng song công việc ưu tiên hàng đầu là cập nhật tình hình mực nước sông. Khó khăn do thiên tai gây ra cũng không cản được tinh thần làm việc của nhân viên trong trạm.
Bỏ qua những đắn đo về vật chất thì những người làm khí tượng, thủy văn cũng thiếu thốn về mặt tinh thần. Đặc thù nghề nghiệp, họ ít được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Thế nhưng, vượt lên tất cả, họ vẫn vững tâm, tin tưởng và gắn bó với giếng thủy văn, vườn khí tượng. Hiện nghề khí tượng, thủy văn ngày càng áp lực vì xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong khi trạm khí tượng, thủy văn ở nhiều nơi đã xuống cấp, phần nào ảnh hưởng đến công việc chuyên môn và sinh hoạt.
Thủy văn Phú Lương được xây từ năm 1992 “run rẩy” trong cơn bão số 3 vừa qua. Từng lớp mảng bê tông bám đầy rêu phong bong tróc, để lộ ra cốt thép khiến ai cũng thấy bất an. Câu nói quả quyết của anh Hậu khiến ai nghe cũng thấy lòng nặng trĩu: “Chúng tôi không sợ vất vả, không ngại khó khăn nhưng luôn ước muốn nơi làm việc khang trang và an toàn hơn”.