Bức xúc của công nhân nếu được lắng nghe và giải quyết kịp thời sẽ góp phần ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
"Bị ngộ độc thức ăn không khiến chúng tôi bức xúc bằng thái độ thờ ơ trước sự cố và không có thiện chí giải quyết kiến nghị của công nhân (CN) của ban giám đốc. Chính vì bất bình với cách hành xử ấy của lãnh đạo công ty mà anh em CN mới ngừng việc". Đây là giải thích của CN khi nói đến vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại Công ty TNHH T.A (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cuối tháng 10 vừa qua.
Xem thường công nhân
Trước đó, ngày 23.10, sau bữa cơm chiều tại công ty, hàng loạt CN xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt… Hơn 50 CN được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức và được chẩn đoán ngộ độc thức ăn.
Sau vụ việc, nhiều CN đi làm nhưng không dám dùng cơm. Họ đề nghị ban giám đốc công ty thay đổi nhà thầu cung cấp bữa ăn giữa ca nhưng không nhận được phản hồi. Bức xúc, ngày 26.10, tập thể CN đã ngừng việc phản ứng.
Được lắng nghe và giải tỏa bức xúc, tập thể công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp
Trong ngày đầu ngừng việc, lãnh đạo công ty không ra mặt mà cử bà C., trợ lý giám đốc, ra đối thoại với CN.
Điều đáng nói là khi tiếp xúc với tập thể CN, bà C. không cho họ phát biểu mà yêu cầu ghi vào giấy và bỏ vào thùng thư góp ý. Ức chế vì bị coi thường, tập thể CN tiếp tục ngừng việc.
Lo ngại tình hình căng thẳng, lãnh đạo công ty mới xuất hiện và cam kết đổi nhà thầu cung cấp suất ăn giữa ca. Tuy nhiên, tập thể CN vẫn không đồng ý trở lại làm việc mà đưa ra yêu cầu mới, đó là công ty phải cho bà C. thôi việc.
Giải thích về yêu cầu này, nhiều CN chia sẻ: "Từ khi bà C. được đề bạt làm trợ lý cấp cao của ban giám đốc, tình hình quan hệ lao động có chiều hướng xấu đi, quyền lợi CN cũng bị xâm phạm. Chẳng hạn như việc một số lao động bị cho nghỉ việc không lý do chính đáng. Bức xúc tích tụ lâu ngày nên vụ ngừng việc chỉ là giọt nước tràn ly".
Tuy nhiên, yêu cầu trên của tập thể CN không được giải quyết bởi lãnh đạo công ty cho rằng đó là chuyện riêng của bà C. (!?).
Phải cầu thị
Không có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và chia sẻ đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thường xuyên rơi vào bất ổn. "Quan hệ lao động phải được xây dựng trên cơ sở cùng ngồi lại thảo luận để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, nếu không sẽ rất khó hàn gắn. Khi bức xúc của NLĐ cứ âm ỉ mà không được giải quyết rốt ráo, quan hệ lao động sẽ đi vào ngõ cụt" - ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) bày tỏ.
Tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều DN coi trọng việc đối thoại với người lao động (NLĐ), xem đó là cách triệt tiêu mầm mống tranh chấp. Điển hình là Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân). Dù sử dụng gần 3.000 CN nhưng nhiều năm qua công ty chưa hề xảy ra tranh chấp. Có được điều đó là nhờ ban giám đốc luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các bức xúc của NLĐ.
Bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết để hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng NLĐ, từ năm 2012, công ty đã lập đường dây nóng để CN góp ý các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đường dây nóng trở thành đường dây "nguội", bởi tâm lý NLĐ rất ngại va chạm và bị trù dập...
Từ năm 2016, với việc đưa vào sử dụng ứng dụng TINABO (cách sử dụng tương tự như Zalo), công ty có thể chuyển tải những thông tin, quy định, chế độ chính sách đến NLĐ một cách nhanh chóng. Thông qua phầm mềm này, NLĐ có thể dùng điện thoại có kết nối 3G hoặc WiFi để nhắn tin trò chuyện với người quản trị website. Nhờ đó, những thắc mắc của NLĐ đều được phòng quan hệ lao động ghi nhận và giải đáp kịp thời. Đối với những vấn đề phức tạp cần có thời gian giải quyết, công ty sẽ tìm hiểu và phản hồi cho NLĐ trong vòng 3 ngày.
Với kênh liên lạc này, thông tin cá nhân của NLĐ được bảo mật tuyệt đối và họ không còn e ngại khi đề đạt ý kiến của mình. Mới đây, nhận thấy TINABO vẫn còn hạn chế, công ty chuyển sang sử dụng ứng dụng WOVO, giúp CN dễ tương tác hơn với những người có trách nhiệm.
Với quan niệm cán bộ quản lý phải là cầu nối giữa chủ DN và NLĐ, công ty luôn chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng quản lý và giao tiếp cho đội ngũ này.
"Một số cán bộ quản lý xuất thân từ CN trực tiếp sản xuất nên hạn chế giao tiếp, dẫn đến những va chạm không đáng có với NLĐ. Do vậy, mỗi năm ít nhất 2 lần, công ty mời chuyên gia chuyên về đào tạo, nâng cao kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ quản lý. Với các giải pháp đồng bộ này, quan hệ lao động tại DN luôn ổn định" - bà Kha cho biết.
Theo báo Người lao động