Bão lũ làm cây xanh gãy đổ khắp nơi. Rất khẩn trương, không quản ngại vất vả, cán bộ, người lao động Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đã làm việc xuyên đêm, dọn cho sạch đẹp TP Hải Dương.
Làm việc gấp 2, gấp 3 ngày thường
Đầu giờ chiều 12/9, chị Phạm Thị Thư và Nguyễn Thị Thoan - công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương có mặt trên tuyến phố Hồng Châu để làm nhiệm vụ quét dọn, thu gom cành cây bị gãy đổ sau bão lũ. Tuyến phố này chiều hôm trước ngập sâu, chưa thể vào dọn dẹp nên phải đến hôm nay các chị mới thu gom được. Mặc dù nước chưa rút hoàn toàn nhưng các chị phải khẩn trương, nhanh chóng làm việc để sớm giải tỏa đường phố.
Hỗ trợ các công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương còn có lực lượng bộ đội của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3. Có các chiến sĩ hỗ trợ, không khí lao động cũng rộn ràng, bớt vất vả hơn.
Chị Thư cho biết từ sau bão số 3 đến nay, các chị phải làm thêm giờ, tăng ca cả ngày lẫn đêm. Buổi tối đi thu gom rác thải sinh hoạt, còn ban ngày cùng các lực lượng hỗ trợ dọn dẹp cành cây gãy đổ sau bão lũ. Mặc dù đã trang bị bảo hộ cẩn thận gồm khẩu trang, ủng, 2 lớp găng tay nhưng nhiều khi vẫn không tránh khỏi bị cành cây đâm. Sau mưa lũ, nước, bùn đất ngấm vào cành, lá cây càng thêm nặng, khó khăn cho việc thu gom. Các chị phải vất vả công sức hơn mới có thể quét những cành, lá cây ngấm nước rồi đưa lên xe vận chuyển đi xử lý.
Chiều 12/9, phố Hồng Châu nước đã rút bớt nhưng vẫn có những đoạn bị ngập, dù không quá sâu. Chị Thoan đẩy xe rác lội nước đi thu gom rác. Những túi rác nay đã ngấm đầy nước, quá nặng, chị không thể nhấc đưa lên xe mà phải chia nhỏ từng phần. Đang thu gom rác, có người dân nhờ thông cống khu vực ngập nước, chị nhiệt tình giúp đỡ.
Theo anh Vũ Văn Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp thu gom Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, thời gian xử lý hết lượng rác, cành cây ngổn ngang sau bão lũ có thể kéo dài hằng tháng, vì khối lượng công việc rất nhiều. Đặc biệt, khi nước sông dâng cao, một số tuyến đường ngập sâu nên công nhân không thể vào thu gom rác, phải lùi thời gian làm việc lại, chờ nước rút bớt.
Anh Nguyễn Thành Đô, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương cho biết nguy cơ gia tăng rác thải rất lớn nếu xảy ra úng ngập trên diện rộng. Vì khi đó rác thải theo nước từ nhiều nơi chảy về thành phố. Trong khi đó, lượng rác thải từ các hộ gia đình vẫn phát sinh hằng ngày. Vì vậy, phương án của công ty là các công nhân vẫn tiếp tục nhiệm vụ đi vớt rác trôi nổi ở những tuyến phố bị ngập vừa phải để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng tới môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nước rút ở tuyến phố nào tập trung nhân lực thu dọn rác thải ở tuyến phố đó trước.
Từ hôm bão tan, mỗi đêm, anh Đô chỉ tranh thủ chợp mắt được vài tiếng, ăn uống tạm bợ. Hằng ngày, từ sáng sớm đến tận đêm khuya, anh đi chỉ đạo, động viên nhân viên ở khắp thành phố khẩn trương dọn dẹp những tàn dư liên quan đến rác thải do bão lũ gây ra. "Anh em công nhân làm trực tiếp vất vả bội phần. Họ thay nhau làm việc xuyên ngày đêm, ăn uống nghỉ ngơi thất thường, mệt nhọc lắm nhưng ai cũng cố gắng hết sức. Mọi thứ vẫn còn bộn bề mà giờ nhiều tuyến phố lại bị úng ngập nên khó khăn chồng chất", anh Đô trải lòng.
Trước đó, toàn thể cán bộ, công nhân doanh nghiệp trên đều biết bão lũ diễn biến phức tạp nhưng không một ai nghĩ rằng những thiệt hại mà nó gây ra lại lớn như thế. Chỉ tính riêng địa bàn TP Hải Dương ước đã có khoảng 20.000 cây xanh bị gãy đổ, nhiều tuyến phố bị ách tắc, ngập lụt, khối lượng rác thải rất lớn. Điều này khiến doanh nghiệp phải tổng động viên toàn bộ 490 cán bộ, người lao động cùng ra quân vệ sinh môi trường thay vì phương án làm luân phiên.
Toàn bộ phương tiện vận tải của công ty gồm 13 xe ép rác, 21 xe tải thu gom rác, 2 xe chở công nhân, 1 xe thùng chở vật tư được huy động. Công ty đặt ra 3 yêu cầu đối với người lao động. Một là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện trong lúc làm nhiệm vụ. Hai là cố gắng dọn dẹp các tuyến đường trong thời gian ngắn nhất. Ba là ưu tiên khu vực nội thành và các tuyến phố chính để giải quyết vấn đề đi lại được thuận tiện, an toàn cho nhân dân.
Để thực hiện đúng yêu cầu mà công ty đã đặt ra, tất thảy người lao động trong công ty đều nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao theo tinh thần "làm việc gấp 2, gấp 3 ngày thường". Các tổ gối nhau làm việc xuyên ngày đêm, thời gian mỗi ca kéo dài từ 12-15 tiếng, thậm chí còn hơn thế. Với rác thải là cây xanh, công nhân thu gom, tập kết tạm thời về 2 địa điểm trên đường Tôn Đức Thắng và Trường Chinh rồi sau mới chuyển xuống nhà máy xử lý. Làm như vậy thì mỗi chuyến xe tiết kiệm được 40 phút di chuyển, việc giải phóng rác thải trên các tuyến phố sẽ nhanh hơn.
Việc chưa xong không thể về nhà
Hơn 22 giờ đêm, bãi tập kết rác tạm thời ở khu vực Nhà tang lễ TP Hải Dương nườm nượp xe chở rác. Đống rác chất cao, dài cả chục mét, chủ yếu là cành cây bị gãy do bão và một phần rác sinh hoạt. 3 nữ công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương nhọc nhằn khuân vác những cày cây lên xe ép rác. Khuôn mặt ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi.
Chị Lương Thị Thu - 1 trong 3 công nhân đang làm việc tại đây cho biết đã làm việc liên tục từ 3 giờ sáng. 20 năm trong nghề nhưng chị chưa bao giờ chứng kiến khối lượng rác khổng lồ như lần này. Ngày thường chị chỉ phải làm 7-8 tiếng nhưng mấy hôm nay thì thời gian gấp đôi.
Đồng hồ đã điểm gần 12 giờ đêm, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Hầu hết các gia đình đã chìm vào trong giấc ngủ. Thế nhưng bà Phạm Thị Phiên, công nhân thu gom rác ở phường Lê Thanh Nghị vẫn cặm cụi làm việc dưới trời mưa. Dù chỉ nặng chưa đến 40 kg, cao 1m50 nhưng bà nhanh nhẹn, thoăn thoắt dọn rác. "Tranh thủ làm nhanh còn kịp nhỡ mưa lớn làm ngập lụt. Từ 14 giờ chiều đến giờ, tôi chưa ăn gì, chỉ uống nước. Lẽ ra tôi chỉ làm đến 23 giờ thôi nhưng cứ cố vì việc còn nhiều. Việc chưa xong nên tôi không thể về nhà", bà Phiên chia sẻ.
26 năm theo nghề, chưa khi nào bà Phiên phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ như đợt này. Bà phụ trách 5 tuyến phố, 19 ngõ phố. Mỗi ngày, bà và một đồng nghiệp bốc từ 6-7 xe tải cành cây gẫy đổ (mỗi xe nặng 1 tấn). Nhà chỉ có hai vợ chồng. Chồng bà Phiên bị tai biến nhưng vì công việc nên bà đành để ông tự chăm sóc bản thân, còn mình dành hết thời gian lo làm việc. Bà mong nước sông nhanh rút, đường phố không còn ngập nữa để anh em công nhân dọn dẹp rác thải, trả lại những tuyến phố sạch sẽ, cho người dân đi lại thuận lợi, cho các cháu học sinh đến trường an toàn.
Sau bão lũ, các lái xe Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương cũng có đợt làm việc vất vả nhất từ trước tới nay. Ngày đầu sau khi bão số 3 đi qua, anh Đỗ Duy Phúc đã chạy xe ép rác suốt từ 6 giờ sáng hôm trước đến 1 giờ 35 phút sáng hôm sau. Thời gian nghỉ để anh ăn uống, nghỉ ngơi giữa chừng rất ít vì khối lượng rác quá lớn mà số lượng xe của công ty lại có hạn. "Tôi không đếm được mình chạy bao nhiêu chuyến nhưng thực sự là rất mệt. Tuy nhiên, nhìn thành phố còn ngập rác thế này nên bản thân tự nhủ phải cố gắng", anh Phúc cho hay.
Chia sẻ với công việc nặng nhọc của các công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, những ngày qua, các đoàn thể, đơn vị quân đội, người dân ở các khu dân cư cũng tham gia hỗ trợ dọn dẹp rác thải. Nhiều người còn mua đồ ăn, nước uống tiếp tế cho công nhân thu gom rác. Lãnh đạo công ty cũng bố trí bữa ăn nhẹ để người lao động có thêm sức khoẻ làm việc.
"Có một chị ở phường Bình Hàn mang đồ ăn cho chúng tôi. Chị ấy vừa khóc, vừa liên tục hô chúng tôi cố lên, cố lên. Tình cảm, sự quan tâm giản dị, ấm áp như thế đã tiếp thêm động lực to lớn cho chúng tôi", chị Nguyễn Thị Chỉnh kể.
TIẾN LINH