Năm nào cũng vậy, cứ độ 23 tháng chạp đến Tết Nguyên đán là thời gian vào mùa làm bánh lòng.
Mỗi ngày gia đình chị Minh làm ra gần 2 tạ bánh lòng mà vẫn không đủ giao cho khách
Cả làng Huề Trì ở xã An Phụ (Kinh Môn) lại nhộn nhịp với mùa bánh mới. Cũng chính bởi vậy mà Tết dường như thường đến sớm với người dân nơi đây.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở xóm 5, thôn Huề Trì – một trong những gia đình có truyền thống làm bánh lòng lâu năm và ngon nhất ở đây. Khác với nhiều gia đình đang mải dọn nhà, mua đào, sắm Tết, cả nhà chị Minh với 4 nhân lực và 2 lao động thuê trong xóm đang tất bật làm bánh. Người nổ bỏng, nghiền bỏng, người nấu đường, người ép khuôn, gói bánh... Chị Minh cho biết: “Không biết nghề làm bánh lòng có từ bao giờ nhưng từ đời ông bà, bố mẹ cho đến đời tôi đều thông thạo nghề này. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau kinh nghiệm và cách làm bánh, thậm chí cả dụng cụ để làm bánh cũng được lưu giữ lại". Chị Minh trân trọng nhất là bộ khuôn làm bánh bằng gỗ lim được giữ từ thời ông nội chị. Với mỗi thành viên trong gia đình, làm bánh lòng không chỉ đơn giản là nghề truyền thống mà còn là dịp để nhớ về ông bà, tổ tiên khi Tết đến.
Ở thôn Huề Trì, không nhà nào là không biết làm bánh lòng. Những năm gần đây, bánh lòng Huề Trì dần được thị trường biết đến và ưa chuộng nên gia đình chị Minh và nhiều gia đình khác trong thôn làm dịch vụ, cung cấp bánh trong dịp Tết. Trung bình mỗi ngày gia đình chị Minh làm ra được từ 1,2 – 1,5 tạ bánh, cao điểm lên đến hơn 2 tạ bánh. Ấy vậy mà bánh làm đến đâu hết đến đó, có lúc còn không đủ giao cho khách. Khách hàng đến mua chủ yếu là người dân trong huyện và lân cận để dùng Tết và gửi đi biếu anh em, bạn bè gần xa. Cũng có người gửi cho con cháu ở nước ngoài đặc sản quê hương. Bởi loại bánh này đã trở thành vị không thể thiếu trong dịp Tết với nhiều người Kinh Môn. Bánh được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và nguyên liệu sẵn có: gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, mứt dừa, mứt bí, cà rốt. Để có một khuôn bánh phải trải qua nhiều công đoạn: Gạo nếp cái hoa vàng đem nổ thành bỏng rồi giã (hoặc nghiền) nhỏ, mịn. Đường trắng đem nấu cho đến khi đường cô thành mật. Lạc rang bỏ vỏ, vừng rang thơm, gừng giã lấy nước. Tất cả cho vào nồi đường đảo thật nhanh và đều tay cho đến khi bánh nhuyễn, se mặt đem đổ vào khuôn gỗ để ép. Trong đó khâu nấu đường là quan trọng nhất, quyết định sự thành hay bại của mẻ bánh. Đường cô càng kỹ, bánh sau này sẽ càng chắc, thơm và để được lâu mà không bị sợ bị cứng.
Càng những ngày cận Tết, không khí trong thôn lại càng tất bật bởi các gia đình làm bánh và khách đến mua bánh. Tiếng nổ như pháo tép của bỏng gạo, mùi thơm ngậy của nếp cái, hương cay của gừng… tất cả quện đều thành món bánh quê hương, đậm đà vị Tết. Với người dân nơi đây, bánh lòng đã trở thành món ăn không thể thiếu dâng lên cúng ông bà, tổ tiên, thết đãi anh em, bạn bè trong ngày xuân mới. Người dân nơi đây gọi là bánh lòng như tình cảm và sự trân trọng dành cho nhau khi Tết đến, xuân về.
THU XUÂN