Xã hội

Làn sóng di cư mới. Bài cuối: Được đùm bọc

NGỌC ANH 14/09/2023 13:04

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp uỷ, chính quyền đến mỗi người dân xứ Đông luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm làm việc và có cuộc sống tốt hơn ở Hải Dương.

W_doc-sach.jpg
Chị Hồ Thị Nguyệt Dịnh ở huyện Than Uyên (Lai Châu) đến thư viện tại ký túc xá của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam đọc sách

Quê mới

Tan ca, chị Hồ Thị Nguyệt Dinh ở huyện Than Uyên (Lai Châu) không phải vội vã, tất tả ra lấy xe rồi về xóm trọ nấu nướng như hồi làm ở khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội). Giờ đây, ký túc xá nơi chị ở chỉ cách công ty vài bước chân. “Phòng ở của chúng tôi rộng rãi, ngăn nắp. Chúng tôi thường xuyên được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như đọc sách, chơi thể thao, giao lưu văn nghệ…”, chị Dinh nói.

Chị Dinh là một trong số nhiều công nhân người dân tộc thiểu số của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) được ở ký túc xá của công ty. Xây dựng từ năm 2011, hiện ký túc xá của công ty này đang đáp ứng được hơn 2.000 chỗ ở, trong đó có khoảng 60% số lao động người dân tộc thiểu số ở đó. Đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đi đầu trong xây dựng nhà ở cho công nhân tại Hải Dương.

Nỗ lực chăm lo đời sống người lao động, khi tiếp nhận công nhân tỉnh ngoài, nhất là người dân tộc thiểu số về làm việc, các doanh nghiệp Hải Dương đều có những chính sách quan tâm, hỗ trợ riêng. Không ít doanh nghiệp có nhiều công nhân người dân tộc thiểu số đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp từng vùng miền. Công nhân người dân tộc thiểu số được đối xử bình đẳng, tạo điều kiện được đào tạo, nâng cao tay nghề, tham gia các vị trí quản lý trong các xưởng sản xuất. Nhờ đó, họ gắn bó và coi Hải Dương như quê hương thứ hai của mình.

W_chonh-nong.jpg
Chủ nhà trọ ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) ốp gạch chống nóng cho phòng trọ của công nhân người dân tộc thiểu số đang thuê

Về Hải Dương làm việc được 3 năm, mến đất, yêu người, chị Hoàng Thị Nhu quê ở thôn Chiềng Ba, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã trở thành con dâu của vùng vải Thanh Hà. Chị Nhu cho biết: “Ban đầu xuống Hải Dương làm việc còn khá bỡ ngỡ nhưng nhờ sự giúp đỡ của công đoàn, công ty, chủ xóm trọ, thậm chí cả những cô bán rau, bán thịt ngoài chợ đã giúp em dần quen với cách sống của người miền xuôi. Tấm lòng của những người Hải Dương đã khiến em muốn gắn bó với nơi đây lâu dài. Duyên số đã cho em toại nguyện khi lấy được chồng người Thanh Hà và hiện em đã mang bầu hơn 6 tháng”.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, không ít lao động người dân tộc thiểu số phải ở lại cách ly. Khi đó nhiều chủ nhà trọ đã bao bọc, hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Anh Giàng Văn Quýnh quê ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) ở trọ tại khu Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) chia sẻ: “Cô Mừng, chủ nhà trọ rất quan tâm, giúp đỡ công nhân. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nhân ở trọ mắc kẹt không về quê được, việc làm ít, thu nhập giảm sút, cô Mừng không những giảm tiền thuê trọ mà còn nhờ người thân ở quê gom rau, củ, quả lên cho chúng tôi. Công nhân nào ốm đau, bệnh tật thiếu tiền cô còn cho vay để đi bệnh viện”.

W_bvt2.jpg
Nhiều con em công nhân người dân tộc thiểu số đang làm việc tại Công ty TNHH Shint BVT Việt Nam (TP Hải Dương) được học miễn phí ở nhà trẻ công ty

Tại nhiều địa phương có đông công nhân ở trọ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp xây dựng các mô hình “Nhà trọ thân thiện”. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng tổ chức nhiều mô hình riêng hỗ trợ công nhân, trong đó quan tâm nhiều hơn đến người dân tộc thiểu số.

Lo cho tương lai

Làn sóng di cư của những lao động trẻ miền núi về Hải Dương làm việc đặt ra những thách thức không nhỏ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Hải Dương đã sớm rà soát, đánh giá triển khai đề án xây dựng nhà ở xã hội, giúp công nhân, người thu nhập thấp, trong đó có cả người dân tộc thiểu số có được chỗ ở khang trang hơn. Hải Dương dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 15.900 căn nhà ở xã hội; trong đó đến năm 2025 phấn đấu xây dựng 5.800 căn hộ, đến năm 2030 xây dựng 10.100 căn hộ... Đây cũng là cơ hội để cho nhiều công nhân người dân tộc thiểu số có thể yên tâm làm việc, gắn bó với Hải Dương lâu dài hơn. Nhiều địa phương, doanh nghiệp còn xây dựng nhà trẻ, tạo điều kiện cho con em công nhân dân tộc thiểu số theo bố mẹ về Hải Dương làm việc được đến trường.

Chăm lo cho tương lai của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chọn khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) để xây dựng các thiết chế công đoàn. Tại đây sẽ có nhiều điểm vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Dự kiến các công trình này sẽ khởi công vào quý III năm 2024.

W_kiem-tra.jpg
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm hỏi, động viên công nhân người dân tộc thiểu số đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh

Đề án "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030" với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có những nội dụng quan tâm đặc biệt đến công nhân dân tộc thiểu số về Hải Dương làm việc. Qua đề án, công nhân dân tộc thiểu số được chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, trao nhiều cơ hội phát triển trong các nhà máy, xí nghiệp của Hải Dương.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng trăn trở dù đã có không ít những chương trình, hoạt động của tỉnh nhằm chăm lo đời sống công nhân, người lao động nhưng những chính sách dành riêng cho lao động người dân tộc thiểu số vẫn chưa nhiều. Làn sóng di cư lao động này cần được Nhà nước, nhất là Ủy ban Dân tộc sớm có cuộc điều tra, khảo sát bởi đây không chỉ là vấn đề của riêng Hải Dương mà còn của nhiều địa phương khác trong cả nước. Qua những cuộc đánh giá, khảo sát thực chất, Hải Dương cũng như nhiều nơi khác tiếp nhận lao động dân tộc thiểu số đến làm việc sẽ có được những chính sách phù hợp, thắm tình đồng bào, tạo sự đoàn kết, phát triển giữa các dân tộc anh em.

NGỌC ANH
(0) Bình luận
Làn sóng di cư mới. Bài cuối: Được đùm bọc