Lao động - Việc làm

Làn sóng di cư mới. Bài 2: Vấp váp

NGỌC ANH 13/09/2023 11:00

Về xuôi tìm việc với mong muốn có được cuộc sống tốt hơn nhưng không ít lao động dân tộc thiểu số lại vấp phải những cạm bẫy của tệ nạn xã hội ở nơi phố thị, khu công nghiệp.

00:00

W_xin-man.jpg
Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng đã tuyên phạt Vàng Thị Lợi ở huyện Xín Mần (Hà Giang, ngoài cùng bên phải) 8 năm 8 tháng tù vì tội lôi kéo, tàng trữ, sử dụng ma tuý (ảnh cơ sở cung cấp)

Vòng xoáy tệ nạn

Nhớ lại những ngày đầu rời bản, anh Sùng A Phiêng quê ở Pù Vá, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, nơi nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Yên Bái không khỏi tự hào. Anh A Phiêng kể, đầu năm 2019, anh theo một người bạn cùng bản về Hải Dương tìm việc. Ban đầu anh được bạn giới thiệu làm phụ hồ tại khu đô thị Ecorivers Hải Dương (TP Hải Dương). Công việc tuy vất vả nhưng anh hiểu mấy sào ngô nương không thể giúp mẹ nuôi 5 em ăn học và gia đình thoát nghèo. Vì vậy, anh không ngại bất cứ việc gì. “Tháng đầu nhận lương tôi không sao ngủ được vì chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Tiền cất kỹ vào đáy ba lô rồi mà sợ mất nên thỉnh thoảng phải bỏ ra kiểm tra”, anh A Phiêng chia sẻ.

Thu nhập tốt hơn, anh A Phiêng mua điện thoại rồi thường xuyên theo bạn bè đi chơi, đi nhậu. “Tôi dần lún sâu vào cờ bạc và cá độ bóng đá. Thậm chí ngày đi làm đêm về cày game đến khuya. Sức khỏe giảm sút nên có hôm đi làm buồn ngủ quá tôi đã không may làm cháy máy sấy bánh và bị cho nghỉ việc”, anh A Phiêng nói. Hiện anh A Phiêng quay lại làm phụ hồ, thu nhập không còn được cao như trước.

Quen với cuộc sống khổ cực ở miền núi, khi về xuôi có tiền, không ít lao động dân tộc thiểu số bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Không chỉ nam giới, ngay cả những lao động nữ cũng bị rơi vào vòng xoáy ma túy, mại dâm. P.T.H. người dân tộc Dao quê ở bản Huổi Lóng, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) trong lúc công ty ít việc, không phải tăng ca, nghe theo lời dụ dỗ của một người cùng quê bán dâm cho một vị khách tại một nhà nghỉ ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) và bị công an bắt giữ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, thời gian gần đây tại Hải Dương có không ít những vụ mua bán dâm do người dân tộc thiểu số làm môi giới hoặc trực tiếp thực hiện hành vi này. Ngay đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng để điều tra về hành vi môi giới mại dâm và chứa mại dâm tại nhà nghỉ Bình An ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường, trong đó có một đối tượng là người dân tộc thiểu số quê ở tỉnh Điện Biên.

Những người dân tộc thiểu số xuống Hải Dương làm việc nhận thức còn hạn chế nên rất dễ bị lôi kéo, thậm chí rơi vào những vụ vi phạm pháp luật phải đi tù. Không ít người nghiện ma tuý, còn lôi kéo nhiều người khác rơi vào vòng nghiện ngập. 5 năm trước, Công an tỉnh đã phá một đường dây mua bán ma túy lớn từ Sơn La về Hải Dương. Hai công nhân người dân tộc thiểu số đều ở xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên móc nối với một đối tượng trong tỉnh mua bán 14 bánh ma túy và 5 bánh heroin.

W_nha-tro.jpg
Chủ các nhà trọ ở gần khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) thường xuyên giám sát, nhắc nhở để công nhân là người dân tộc thiểu số tránh xa tệ nạn xã hội

Ông Hoàng Văn Hưng, chủ nhà trọ ở khu dân cư Độc Lập, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) lo ngại nói: “Không ít thanh niên dân tộc thiểu số mới xuống làm việc khá ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng chỉ sau một thời gian thì ăn chơi, đua đòi. Có người còn lôi kéo thanh niên trong xóm cùng thử hút ma túy nên khi phát hiện tôi đã báo công an”.

Nhận thức hạn chế

Phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát cũng là một thói quen của nhiều người dân tộc thiểu số khi đi đường. Không chỉ vi phạm pháp luật, tình trạng này còn là nguyên nhân dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đây là nhận định của Trung tá Đinh Hà Vân, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) khi nói về tình trạng vi phạm pháp luật giao thông của người dân tộc thiểu số về Hải Dương làm việc.

W_gt2.jpg
Công an tỉnh Hải Dương tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho công nhân là người dân tộc thiểu số

Trung tá Đinh Hà Vân cho biết: “Số lượng người dân tộc thiểu số từ các nơi về Hải Dương làm việc ngày càng đông kéo theo đó là tình trạng vi phạm giao thông, liên quan đến tai nạn cũng tăng. Người dân tộc vi phạm Luật Giao thông đường bộ chủ yếu do nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Nhiều người không hiểu luật, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí đèo ba, đèo bốn. Khi lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt thì họ thường không có đầy đủ giấy tờ. Nhiều người còn không có cả căn cước công dân…”.

Mặc dù hiện nay chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng công nhân, lao động người dân tộc thiểu số vi phạm luật giao thông, nghiện ma túy hay mắc vào các tệ nạn xã hội nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, số lượng này không ít.

Theo Thiếu tá Phạm Văn Phương, Phó Trưởng Công an xã Cẩm Phúc, thôn Lê Xá là nơi có nhiều khu nhà trọ và nhiều công nhân dân tộc thiểu số sinh sống nhất huyện Cẩm Giàng. Có nhiều người không học hết THCS, không biết chữ nên việc nắm vững các quy định của pháp luật khi về xuôi làm việc rất hạn chế. Vì mưu sinh họ về đây kiếm sống cũng kéo theo nhiều hệ lụy về tệ nạn xã hội. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho họ cần được các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động quan tâm. Tại những nơi có nhiều người dân tộc thiểu số ở trọ, Công an xã Cẩm Phúc thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để họ nâng cao ý thức và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Vướng vào tệ nạn xã hội, nhiều lao động người dân tộc thiểu số muốn trở về bản, sống bình yên bên người thân, no đói có nhau. “Nhưng mỗi lần có ý định đó tôi lại nhớ những đêm cả nhà trằn trọc không ngủ được vì cái đói mùa giáp hạt ùa đến. Tôi đang cố gắng học thêm nghề chế biến đậu phụ để về quê lấy vợ, làm nghề, sống cùng bố mẹ và các em”, anh Sùng A Phiêng chia sẻ dự định của mình.

Kỳ sau: Được đùm bọc

NGỌC ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn sóng di cư mới. Bài 2: Vấp váp