Từ hôm nay, báo Hải Dương đăng loạt bài phản ánh một làn sóng di dân mới đang diễn ra tại Hải Dương cũng như nhiều nơi trong cả nước.
Những năm 60-70 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện một cuộc “đại di dân” từ miền xuôi lên miền núi. Khi ấy từng đoàn người, đi đầu là những đảng viên trẻ ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có nhiều người Hải Dương vượt núi, băng rừng tới “đánh thức” vùng Tây Bắc. Hơn nửa thế kỷ qua, giờ đây lại đang có xu hướng di dân ngược. Những chàng trai, cô gái ở miền núi rời bản về Hải Dương làm công nhân.
Rủ nhau rời bản
Nhà của anh Vì Văn Khấng nằm cuối con dốc quanh co thuộc bản Ui, xã Mường Men, huyện Vân Hồ (Sơn La). Quanh nhà anh Khấng bốn bề là những mảng đá xám nhọn hoắt. Anh Khấng bảo ở đây đất ít, đá nhiều nên chỉ trồng được vài luống ngô thưa thớt. Người dân trong xã, nhất là thanh niên trai tráng rủ nhau về xuôi tìm việc nhiều. Anh Khấng cũng theo họ về Hải Dương làm việc hơn 1 năm nay.
Mường Men trong tiếng của người dân tộc Thái có nghĩa là vùng đất nằm sâu trong núi. Đây cũng là một trong những xã vùng 3 khó khăn nhất huyện Vân Hồ. Tỷ lệ hộ nghèo tới hơn 60%, mức sống thấp khiến người trẻ của những bản Khà Nhài, Nà Pa, Chột, Ui… tìm cách vượt núi về xuôi làm công nhân khá nhiều.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Mường Men Lò Văn Thao cho biết cả xã có 434 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu sinh sống ở 5 bản. Đời sống người dân phụ thuộc vào cây trồng trên nương, phương thức sản xuất lạc hậu nên năng suất thấp, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ… Đời sống khó khăn nên cả 5 bản trong xã đều có người tìm về xuôi làm việc, trong đó có 3 bản với 43 người đang làm công nhân ở Hải Dương.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Trong số 14 triệu người dân tộc thiểu số thì có tới hơn 9 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi ở các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc chiếm hơn 60%. Điều này cho thấy lực lượng lao động của người dân miền núi phía Bắc đang ở độ tuổi vàng. Ông Nguyễn Hữu Phư, cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết mỗi năm địa phương có khoảng 16.000 thanh niên bước vào độ tuổi lao động nhưng cả tỉnh chỉ có một khu công nghiệp Bình Vàng và 5 cụm công nghiệp với số doanh nghiệp vào đầu tư chưa nhiều. Vì thế, làn sóng lao động đổ về xuôi, trong đó có Hải Dương tìm việc là tất yếu.
Hải Dương hiện có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài, chiếm gần 20% tổng số lao động đang làm việc trong tỉnh. Đa phần lao động đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái… Tại nhiều doanh nghiệp của Hải Dương, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số chiếm đến 30-40%. Riêng Công ty TNHH Công nghiệp Brother ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) tỷ lệ này chiếm đến hơn 50%.
Ở gần các khu công nghiệp lớn của Hải Dương như Đại An, Việt Hòa (TP Hải Dương), Tân Trường, Phúc Điền (Cẩm Giàng), Cộng Hòa (Chí Linh) có rất nhiều xóm trọ quy tụ con em người dân tộc thiểu số cùng quê sinh sống. Công nhân Lương Ánh Kiều quê ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Công ty TNHH An Trung ở khu công nghiệp Việt Hòa nơi tôi làm việc phần lớn là lao động của huyện Văn Bàn. Chỉ riêng nhà tôi đã có 5 người về làm cùng công ty ở Hải Dương và trọ tại gia đình bà Trần Thị Thanh ở khu dân cư Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương)”.
Đủ cách mưu sinh
Không khó để gặp những công nhân người dân tộc thiểu số về Hải Dương làm việc và sinh sống. Họ về đây làm nhiều nghề. Chị Hờ Thị Sâu, người Mông quê ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) về Hải Dương làm việc đã được 2 năm kể: “Nhà em đông người mà chỉ có ít đất làm nương nên bữa no, bữa đói. 19 tuổi, em tạm xa gia đình về Hải Dương tìm việc”.
Công việc đầu tiên mà chị Sâu nhận được là làm công nhân thời vụ tại một cơ sở tái chế nhựa ở thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên). Nhưng chỉ làm được nửa tháng phải bỏ vì không quen với mùi hóa chất nồng nặc. Nhờ người quen giới thiệu, chị về làm công nhân tại Công ty TNHH May Tinh Lợi ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành). Chị Sâu cho biết dù cuộc sống chưa ổn định nhưng kiếm tiền ở Hải Dương vẫn dễ dàng hơn ở quê nhà. “Với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, em dành dụm được chút ít gửi về cho bố mẹ nuôi các em ăn học”, chị Sâu nói.
Không chỉ làm công nhân, về xuôi, những lao động là người dân tộc thiểu số nhờ thể lực vạm vỡ, khỏe mạnh nên dễ được nhận làm phụ hồ ở các công trình xây dựng. Nhiều người còn đảm nhận ba, bốn việc cùng lúc.
18 tuổi, anh Sùng A Trớng ở xã Mường Lói, huyện Điện Biên (Điện Biên) rời bản về Hải Dương. Tuổi trẻ, sức khỏe dẻo dai nên anh A Trớng ban ngày làm phụ hồ, chiều phụ rửa xe cho một tiệm sửa chữa ô tô, xe máy gần khu trọ và buổi tối có hôm còn phụ bưng bê cho một quán bia gần khu công nghiệp Đại An. Anh A Trớng cho biết: “Số tiền mà tôi kiếm được một tháng khi làm công nhân ở Hải Dương có thể bằng cả một năm gia đình vất vả làm lúa ngô trên rẫy”.
Rời núi, những lao động người dân tộc thiểu số về Hải Dương chịu khó bươn trải nên có điều kiện sống dần tốt lên. Số tiền mà họ kiếm được khi về xuôi làm công nhân được gửi về quê để người thân xây nhà, mua xe, cuộc sống từ đó cũng khấm khá hơn. Điều này đã tạo sức hút mạnh mẽ khiến nhiều lao động đi trước trở thành cầu nối giúp nhiều người khác tiếp tục rời núi, về xuôi tìm việc, mang theo ước mơ đổi đời.
NGỌC ANH