Sắp xếp chu toàn mọi việc thì những ngày nghỉ Tết sẽ là những ngày thực sự "vui như Tết".
Thành ngữ “vui như Tết” không biết xuất hiện từ khi nào, chỉ biết với người Việt Nam, Tết xưa nay vốn là dịp vui vẻ.
Người ta tạm quên những lo lắng, muộn phiền, bỏ qua hiềm khích của năm cũ để bước sang năm mới. Trong những ngày Tết, mọi người, mọi nhà đều cố gắng tránh làm những việc không hay, những điều không đem lại may mắn cho bản thân mình và người khác.
Tết là niềm ao ước, sự háo hức chờ mong của con trẻ nhiều thế hệ: “Sắp đến Tết rồi, đến trường rất vui. Sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui…”.
Ấy vậy, nhưng với nhiều người Tết chưa hẳn đã vui.
Nếu lấy việc được nghỉ dài ngày là niềm vui dịp Tết thì cũng có nhiều người làm những công việc đặc thù không được nghỉ Tết trọn vẹn. Họ chia ca làm việc trong những ngày nghỉ Tết, thậm chí có người làm xuyên Tết, không được trở về sum vầy cùng gia đình.
Nếu lấy việc “ăn ngon, mặc đẹp” với những bữa tiệc tùng, liên hoan tất niên, tân niên làm niềm vui dịp Tết thì cũng có những người đối mặt với nguy cơ tăng cân, tiểu đường, đột quỵ… Có những người vợ, người mẹ bận rộn suốt ngày lo nấu ăn, hay chăm sóc người thân trong trạng thái say xỉn hoặc đối mặt với nỗi lo tham gia giao thông không an toàn.
Tết cũng là dịp xuất hiện nguy cơ cháy nổ cao bởi chập điện, đốt pháo, đốt vàng mã… Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 1/2/2024, Hải Dương xảy ra 8 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản 1,66 tỷ đồng, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước. Gần đây nhất, sau vụ cháy nhà dân ở số 4 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm 4 người thiệt mạng, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Hóa ra, Tết không chỉ có vui, Tết còn nhiều nỗi lo. Nhưng ta không thể vì lo mà để Tết không vui. Không có Tết những nỗi lo đó vẫn hiện hữu. Vấn đề là, để không còn phải canh cánh nỗi lo, nhất là trong dịp Tết cần hóa giải bằng những việc làm cụ thể.
Làm việc trong Tết, cũng coi như ngày làm việc bình thường với suy nghĩ công việc của mình sẽ mang đến niềm vui cho người khác, sắp xếp chu toàn mọi việc trước Tết sẽ thấy thiếu 1 hay 2 ngày nghỉ Tết cũng chẳng thành vấn đề.
Hãy “ăn Tết” sao cho thoải mái nhưng không phản khoa học, vui thôi, đừng vui quá đà, đừng để chuyện ăn uống thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Khổng Tử nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, nghĩa là con người nếu không biết lo xa, tất sẽ phải đối mặt với ưu phiền ngay trước mắt. Người xưa cũng từng dạy “cẩn tắc vô ưu”, làm việc cẩn thận thì sẽ không ưu phiền.
Lo xảy ra tai nạn giao thông thì chủ động phòng tránh bằng cách tuân thủ luật, kiên quyết thực hiện đã uống rượu bia thì không lái xe, dù xe đạp, xe máy hay ô tô. Lo cháy nổ, hỏa hoạn thì chủ động ngắt hết cầu dao điện trước khi đóng cửa cơ quan, công sở, nhà xưởng, cửa hàng… trước khi về nghỉ Tết. Kiểm tra kỹ càng mọi nguy cơ cháy nổ để loại bỏ trước Tết thì cũng chẳng còn lo sự cố khi đang vui xuân, đón Tết.
Hãy để những ngày Tết thực sự là những ngày vui!
HOÀI ANH