Đời sống văn hóa

Các môn chơi thể thao đặc sắc ngày Tết

PV (tổng hợp) 05/02/2024 15:00

Đấu vật, đua thuyền, pháo đất, kéo co... là những môn thể thao truyền thống, đặc sắc được các địa phương ở Hải Dương gìn giữ, tổ chức mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đấu vật

dauvat.jpg
Phần lớn các sới vật của Hải Dương được tổ chức vào dịp hội làng đầu xuân

Đấu vật được tổ chức thi tài vào dịp lễ, Tết, hội làng ở nhiều địa phương. Các sới vật thường được tổ chức tại đình làng, chùa hoặc các miếu, đền, thu hút hàng trăm người dân đến xem và cổ vũ. Tiếng trống thúc giục rộn ràng hòa lẫn tiếng reo hò, vỗ tay cổ vũ cho các đô vật, kèo vật tạo không khí sôi động, tươi vui trong những ngày đầu xuân, năm mới. Không khí tại các sới vật không chỉ góp phần thắt chặt tình đoàn kết của người dân, hy vọng về một năm mới tốt đẹp, bội thu mà còn tôn vinh và lưu giữ nét đẹp sinh hoạt truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Ở Hải Dương, môn vật dân tộc được tổ chức nhiều nơi nhưng nổi tiếng phải kể đến các sới vật ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) được tổ chức vào mùng 6 Tết và hội làng tháng 2 âm lịch hằng năm. Tại nhiều địa phương ở Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách… vật dân tộc không chỉ trở thành môn thể thao hấp dẫn với người già mà trẻ nhỏ, thậm chí phụ nữ cũng hào hứng tham gia. Trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, sới vật cũng là một trong những môn thu hút đông đảo du khách theo dõi.

Đua thuyền

duathuyen.jpg
Đua thuyền trong khuôn khổ lễ hội chùa Bạch Hào (Thanh Xá, Thanh Hà) diễn ra hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân cổ vũ

Đua thuyền đã xuất hiện từ rất lâu đời ở nước ta. Đây không chỉ là một môn thể thao, một trò chơi dân gian mà còn là một hình thức thực hiện nghi lễ với thủy thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp.

Đua thuyền hiện nay không chỉ đơn thuần là một hoạt động tín ngưỡng mà còn trở thành một môn thể thao hấp dẫn vào những dịp đầu năm, lễ hội… với quy mô lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Đua thuyền hiện vẫn được một số địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức trong ngày Tết Nguyên đán và lễ hội truyền thống, tiêu biểu là các xã Thanh Xá (Thanh Hà), Yết Kiêu (Gia Lộc)... Trong lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào (diễn ra trong 2 ngày 5 - 6 tháng giêng hằng năm tại xã Thanh Xá), địa phương đều tổ chức đua thuyền, thu hút rất đông người tham gia thi đấu và cổ vũ, tạo thành nét đặc sắc trong lễ hội.

Pháo đất

phaodat.jpg
Pháo đất - một trò chơi dân gian nổi tiếng được gìn giữ ở nhiều địa phương của Hải Dương

Pháo đất là trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và trường tồn đến ngày nay. Pháo đất được diễn ra tại một số hội làng và vào các dịp lễ, Tết.

Trò chơi này cũng được mô phỏng theo nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa. Dân gian quan niệm, tiếng pháo nổ to, dây pháo bung dài báo hiệu một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tươi tốt.

Dù đây là một trò chơi dân gian đòi hỏi phải khéo léo và sức khoẻ nhưng lại có sức hút rất đặc biệt với mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ trẻ.

Ở Hải Dương vào dịp đầu xuân, nhiều nơi trong tỉnh tổ chức hội thi pháo đất nhưng rầm rộ nhất phải kể đến ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang… Vào dịp đầu năm mới, nhiều thôn, xã của các địa phương này tổ chức hội thi pháo đất.

Bịt mắt bắt vịt

bit-mat-bat-vit(1).jpg
Bịt mắt bắt vịt là một môn thể thao vui nhộn và vẫn được nhiều địa phương duy trì tổ chức. (ảnh sưu tầm)

Bịt mắt bắt vịt thường được tổ chức ở những bãi đất rộng. Ban tổ chức quây lưới hoặc cót thành vòng tròn rộng khoảng 20 - 30 m2.

Người chơi bị bịt mắt, nghe theo tiếng vịt kêu và lời nhắc của mọi người xung quanh để bắt. Mỗi lần chơi 5 - 7 phút, ban tổ chức thường thả 2 con vịt. Ai bắt được thì giành chiến thắng (được lấy luôn con vịt này).

Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn duy trì tổ chức trò chơi trong những ngày Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân như Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ...

Kéo co

anh4-88d26e7a67f5bdb381b8692f83e2f21c.jpg
Kéo co hiện không chỉ được tổ chức ở các lễ hội mà còn được tổ chức trong các hoạt động tập thể của cơ quan, đơn vị, địa phương và hoạt động ngoại khóa của các nhà trường. Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) thi đấu kéo co

Kéo co là môn thể thao tập thể rất phổ biến tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là một hoạt động vui chơi giải trí mang đậm nét truyền thống, đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết và sức mạnh.

Cách chơi kéo co khá đơn giản với đạo cụ là một chiếc dây thừng, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm hai phe bằng số người, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.

Hiện nay, tại rất nhiều lễ hội mùa xuân ở các địa phương trong tỉnh đều tổ chức trò chơi kéo co. Ngoài ra, vào những dịp hội làng, các hoạt động tập thể của cơ quan, đơn vị, địa phương, kéo co cũng được tổ chức, thu hút đông người tham gia, tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi.

PV (tổng hợp)
(0) Bình luận
Các môn chơi thể thao đặc sắc ngày Tết