"Lạm phát" điểm học bạ

16/05/2023 06:21

Dù lạm phát điểm như vậy, điểm xét tuyển vẫn thấp, đến mức 6 điểm học bạ mỗi môn vẫn trúng tuyển đại học. Vậy điểm học bạ có thực sự xứng đáng là tiêu chuẩn đầu vào đại học hay không?

Một tuần nữa mới công bố kết quả cuối kỳ nhưng bác tôi, một phụ huynh có con học lớp 12 ở Hà Nội, đã cặm cụi tự tính trước kết quả học tập. Điểm các môn sẽ được ghi vào học bạ và là căn cứ quan trọng để xét tuyển vào nhiều trường đại học.

"Trường bên cạnh kém hơn mà điểm học bạ lại cao chót vót", bác thở dài trong sự bất lực.

Nỗi lo "lạm phát điểm học bạ" hóa ra không phải của một mình bác. Tình trạng này báo động đến mức có cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo "bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ" vì có hiện tượng chạy điểm làm đẹp học bạ.

Chính sách từ phía bộ rất rõ ràng: giữ nguyên phương án. Thực tế cũng cho thấy ngày càng có nhiều trường sử dụng phương án xét tuyển (có kết hợp cùng phương án khác) bởi quan điểm chung: đây là phương án tiết kiệm chi phí tuyển sinh của trường cũng như đánh giá được nỗ lực học tập trong thời gian dài. Quan điểm này có cơ sở khoa học nhất định khi nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng điểm học bạ phổ thông có tương quan tỷ lệ thuận với mức độ sẵn sàng học tập (readiness) của sinh viên.

Dù lạm phát điểm như vậy, điểm xét tuyển vẫn thấp, đến mức 6 điểm học bạ mỗi môn vẫn trúng tuyển đại học. Vậy điểm học bạ có thực sự xứng đáng là tiêu chuẩn đầu vào đại học hay không?

5 năm trước, khi tham gia khóa Giảng dạy kỹ năng viết tại bậc đại học ở Australia, tôi chia sẻ với giáo sư về tình trạng sinh viên Việt Nam ít được rèn kỹ năng viết ở phổ thông (do quen văn mẫu) nên giảng viên tốn công dạy lại các kỹ năng viết sơ đẳng, dẫn đến thiếu thời gian dạy kiến thức hàn lâm trong năm đầu đại học.

Giáo sư cười lớn và khẳng định nhiều giảng viên ở Australia cũng than phiền y hệt tôi. Nếu cứ xét điểm học bạ môn ngữ văn hoặc cẩn thận hơn, tạo ra một bài kiểm tra kỹ năng viết thật ngặt nghèo, nhiều trường ở Australia cũng không tuyển đủ sinh viên. Giáo sư cho rằng điểm cao, kiến thức học thuật tốt ngay từ đầu không phải tiêu chuẩn duy nhất mà trường đại học chờ đợi ở các tân sinh viên.

Trường mong muốn thấy nỗ lực bền bỉ trong việc truy cầu học vấn, thấy xuất thân đa dạng (chủng tộc, thu nhập, địa lý...) mà từ đó, sinh viên sẽ đóng góp thành góc nhìn mới cho buổi học, thấy khao khát dùng tri thức để cải thiện xã hội... Những phẩm chất đó khó đo lường hữu hình bằng điểm số hay bài thi tiêu chuẩn.

Một trường đại học tốt không phải trường tuyển sẵn các ứng viên tài giỏi, mà là nơi nỗ lực tạo ra môi trường học thuật giúp thúc đẩy các phẩm chất tiềm tàng trong người học, từ đó khẳng định giá trị của tri thức là bình đẳng với mọi học viên.

Giáo sư lấy ví dụ: có trường thành lập các trung tâm hỗ trợ học tập, giúp mọi sinh viên đều có thể theo kịp yêu cầu đọc - viết học thuật, đặc biệt là sinh viên không đến từ các nước Anh ngữ. Có trường tập huấn liên tục cho giảng viên các kỹ năng sư phạm để hỗ trợ sinh viên năm đầu làm quen với áp lực học thuật (như khóa tôi được tham dự). Có trường tạo ra các nhóm học tập tự nguyện, trong đó sinh viên năm cuối kèm sinh viên năm nhất vượt qua các thử thách ban đầu của môi trường mới.

Cuối cùng ông tổng kết: chính không khí học tập sôi động ngay từ những ngày đầu đã khích lệ sinh viên tin tưởng vào con đường đã chọn. Các em sẽ dần nhận ra điểm số là một chỉ dấu tạm thời, cái nhà trường cần là phẩm chất tri thức; và nhà trường, bằng các chính sách hỗ trợ kể trên, đã cam kết rằng đây là môi trường để phát triển đến cùng phẩm chất đó, dù xuất phát điểm của các em có từ đâu đi nữa.

Quay lại với Việt Nam, tôi cho rằng dù có kiểm soát được điểm phổ thông thì đó cũng không phải cách giải quyết vấn đề tuyển sinh đại học ở Việt Nam. Chúng ta đang có tới 20 phương thức tuyển sinh nhưng cũng chỉ là những phiên bản khác nhau của đo đạc các loại điểm số. Khi không được xã hội công nhận, học sinh cũng lơ là trau dồi những phẩm chất tinh thần mà một trí thức tương lai cần có.

Tuyển sinh đại học có thể sử dụng các phương thức không quy thành điểm số: thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, thành tích hoạt động xã hội, bài luận giới thiệu bản thân... Các phương thức này cũng có thể bị gian lận một cách tinh vi, có thể làm nhà trường tốn nhiều nhân lực và vật lực gấp bội cho tuyển sinh, nhưng không vì thế mà chúng ta tước đi cơ hội được thể hiện những giá trị tinh thần của các em trong quyết định quan trọng nhất của tuổi 18.

Và cuối cùng, cần xây dựng các thiết chế nhà trường bảo đảm hỗ trợ người học say mê với kiến thức, đủ nền tảng cơ bản để theo đuổi học thuật và có niềm tin sâu sắc rằng tri thức sẽ thúc đẩy toàn bộ xã hội. Có những thiết chế như vậy, tôi tin rằng dù điểm học bạ thế nào, các em vẫn có cơ hội để bứt phá và đóng góp trí tuệ cho tương lai.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Lạm phát" điểm học bạ