Trong mùa tuyển sinh năm nay, rất nhiều trường đại học có điểm chuẩn các phương thức xét học bạ, thi đánh giá năng lực... tăng cao. Thậm chí có ngành, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn học bạ mới có thể trúng tuyển.
Điểm chuẩn xét tuyển sớm "cao vút"
Tại thời điểm này, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn sớm (với các phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực, xét tuyển riêng…). Trong đó, nhiều ngành có điểm chuẩn rất cao.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ở phương thức xét học bạ, nhiều ngành có điểm chuẩn ở mức thí sinh phải đạt trung bình từ 8,5 đến trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển, như: Nhóm ngành Tự động hoá, Khoa học dữ liệu 27,25; Kỹ thuật máy tính, Công nghệ cơ khí, Công nghệ sinh học 26; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ thực phẩm 26,5; Công nghệ kỹ thuật ô tô, nhóm ngành Công nghệ thông tin 27,5; Dược học, Tài chính ngân hàng, Luật kinh tế 28; Kế toán, kiểm toán 27; Kinh doanh quốc tế 29; Marketing 28,5…
Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của nhiều ngành từ 900 (thang điểm 1.200) trở lên. Cụ thể như ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 1.052; Trí tuệ nhân tạo 1.032; Công nghệ thông tin (chương trình tăng cường tiếng Anh) 925; nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin 945; nhóm ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Thiết kế vi mạch 910…
Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 13 ngành đều trên 850 điểm. Trong đó, không ít ngành có điểm chuẩn trên 900, bao gồm: Khoa học dữ liệu 935; Khoa học máy tính 925; Kỹ thuật phần mềm 926; Trí tuệ nhân tạo 980; Công nghệ thông tin 915; An toàn thông tin, Thiết kế vi mạch 910…
Còn tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ngành Truyền thông đa phương tiện lên tới 963. Ở phương thức xét học bạ, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện là 29; Báo chí 28,7; Báo chí (chuẩn quốc tế) 28,4; Văn học 28,2; Nghệ thuật học 28; Quan hệ quốc tế 28,5; Tâm lý học 28,6...
Điểm chuẩn xét tuyển phương thức thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có ngành lên tới 1.040. Đối với phương thức xét học bạ, nhiều ngành của trường này có điểm chuẩn trên 27. Điểm chuẩn sớm tại các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng ở mức tương tự...
Vì sao điểm chuẩn cao?
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh - nhận định điểm chuẩn các phương thức xét tuyển học bạ, đánh giá năng lực ở mức cao không phải là điều quá bất ngờ.
Lý do, theo ông Sơn, là chỉ tiêu của xét tuyển bằng học bạ THPT hiện nay ít hơn rất nhiều so với ngày trước, chỉ khoảng 20-30% tổng chỉ tiêu của trường. Thậm chí, có trường còn bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Các yếu tố này dẫn tới điểm chuẩn xét tuyển phương thức này cao.
Còn đối với xét tuyển căn cứ trên kết quả thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn cao bởi thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng đăng ký, dẫn đến sự lo ngại là tỷ lệ ảo sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, ông Sơn lại dự đoán rằng điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ tương đương năm ngoái, bởi chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường ở phương thức này đã tăng.
Còn TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - cho biết năm nay, điểm chuẩn xét tuyển sớm của trường tăng cao vì chất lượng hồ sơ thí sinh tốt.
"Mặt khác, tổng chỉ tiêu xét tuyển sớm của trường chỉ khoảng 40-50%, trong đó, xét từ học bạ giảm xuống và đánh giá năng lực tăng. Hơn nữa, nhiều ngành học có số lượng thí sinh đăng ký đông, tỷ lệ cạnh tranh cao" - ông Nhân phân tích.
Theo ông Nhân, sau khi xét tuyển sớm, nhà trường còn khoảng 5.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, thí sinh vẫn rất "rộng cửa" vào trường.
Trong khi đó, TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - lại khẳng định điểm chuẩn xét tuyển sớm cao đến từ chất lượng đào tạo.
“Chất lượng đào tạo của trường tốt, được các doanh nghiệp quan tâm. Nhà trường cũng rất chăm lo cho sinh viên như có chỗ nghỉ trưa, 100% phòng học gắn máy lạnh. Mỗi năm, trường đầu tư gần 300 tỷ đồng để mua trang thiết bị thực tập, sinh viên ra trường làm việc được ngay... Do đó, số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ngày càng nhiều” - ông Thưởng nói.
Năm nay, hơn 34.000 thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh bằng các phương thức xét tuyển sớm - tăng trên 35% so với năm ngoái, với hơn 97.000 nguyện vọng.
Tuy nhiên, ông Thưởng lưu ý, vẫn có một số ngành điểm chuẩn còn thấp, cơ hội việc làm lại cao nhưng thí sinh chưa biết đến nhiều như Công nghệ kỹ thuật in, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Chương trình Việt - Nhật, Kỹ nghệ gỗ nội thất… Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc khi nộp hồ sơ cũng như lựa chọn nguyện vọng, để khả năng trúng tuyển cao hơn.
ĐH (theo Vietnamnet)