Pháp luật không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên, nếu việc làm này dẫn đến tiền Việt Nam bị hủy hoại thì là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài hoa tươi, hoa bằng giấy, lụa... thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện những bó hoa được làm bằng tiền với nhiều mệnh giá và cách bày trí khác nhau. Nhiều người thắc mắc làm hoa bằng tiền có phạm pháp hay không?
Tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
- Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
- Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ một mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của ngân hàng nhà nước.
- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, nếu việc làm hoa bằng tiền Việt Nam (cắt, xé..) dẫn đến tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Khoản 3, khoản 5 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam ghi rõ: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật".
Căn cứ theo quy định trên, người làm hoa bằng tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu việc làm hoa bằng tiền Việt Nam (cắt, xé...) dẫn đến tiền Việt Nam bị hủy hoại.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Khoản 1 Điều 4 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg cũng quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.
Do đó, nếu mỗi người dân có ý thức sử dụng cẩn thận thì đồng tiền sẽ được sử dụng lâu và sẽ góp phần giảm chi phí để in tiền mới.
Theo VTC News