Với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương thực sự đã khó càng khó sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cùng hình dung 4 quý của một năm tương ứng 4 vòng thi trong phát triển kinh tế: khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc, về đích. Như vậy, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đã đi gần hết vòng khởi động khi quý đầu tiên của năm 2023 sắp kết thúc. Càng sát vòng vượt chướng ngại vật, câu chuyện về dòng vốn tín dụng ngân hàng càng nóng lên.
Ngân hàng Nhà nước vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng, song “khát" room không phải vấn đề thời điểm này. Trở ngại lớn nhất hiện nay nằm ở lãi suất cho vay. Tại Hải Dương, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Động thái này dù phần nào hạ nhiệt lãi cho vay, song con số này sẽ giảm từ từ và có chọn lọc, không giảm đại trà. Nhiều doanh nghiệp phản ánh mức lãi suất cho vay hiện vẫn cao, nếu không muốn nói nhiều gói vay đang chịu mức lãi quá cao.
Khởi động năm trước, lãi suất cho vay khoảng 9%/năm, thậm chí thấp hơn với khoản vay ngắn hạn hoặc được ưu đãi giai đoạn đầu. Năm nay, mức phổ biến là 10-11%/năm, thậm chí một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay quanh 15%/năm. Đây thực sự trở thành đòn giáng mạnh vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Biến động kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Chi phí nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng từng ngày, trong khi đó đơn hàng đầu ra suy giảm, khiến không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Sức chịu đựng của doanh nghiệp gần như cạn kiệt sau 2 năm ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nay phải tiếp tục gồng gánh thêm khoản lãi suất cao từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Đây cũng là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh tại các cuộc đối thoại, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong những ngày qua. Thậm chí, có doanh nghiệp phải bật khóc theo đúng nghĩa đen khi nhận thông tin lãi suất trên bản hợp đồng đàm phán vay vốn ngân hàng. Giả sử doanh nghiệp vay 10 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Nếu doanh thu đạt đúng 10 tỷ đồng, lợi nhuận kinh doanh bằng đúng lãi suất vay, tức là 10% thì doanh nghiệp đó coi như hòa vốn, nhưng tiền lương công nhân, chi phí khác doanh nghiệp phải tự xoay xở. Trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp nào dám cầm chắc phần thắng khi vay vốn?
Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% lại vướng tình trạng “có tiền nhưng không thể tiêu”. Vướng mắc lớn nhất là các doanh nghiệp e ngại bởi phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Họ cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách, quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại.
Doanh nghiệp khi không thể chống chọi với sức ép tài chính sẽ đối mặt nguy cơ bán tháo tài sản để trả nợ nhằm tránh rơi vào nhóm nợ xấu. Thậm chí có thể trở thành mục tiêu trong những thương vụ thâu tóm, sáp nhập từ những tập đoàn quy mô lớn. Đường cùng, doanh nghiệp phá sản sẽ kéo theo hệ lụy về việc làm và nhiều vấn đề xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, những lời khuyên đại khái như doanh nghiệp cần quản trị dòng tiền tốt hơn, tìm cách mở rộng thị trường đầu ra… vẫn là điều cần thiết. Nhưng doanh nghiệp lúc này cần sự hỗ trợ thực tế hơn. Ngành ngân hàng cần sớm kiến nghị sửa đổi Nghị định 31 để gói hỗ trợ 2% sát thực tế hơn nữa. Tiếp đến là tìm biện pháp hạ lãi cho vay, có thể triển khai gói vay ưu đãi lãi suất theo từng nhóm doanh nghiệp, từng khoảng thời gian nhất định.
Qua rồi cái thời doanh nghiệp chỉ vì muốn vay vốn mà làm hồ sơ “ma” để qua mặt ngân hàng nhằm chiếm dụng vốn, đầu tư vào những mục đích nằm ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng cũng không thể “đi đêm”, cho vay theo kiểu quen biết, thậm chí vòi vĩnh để giải ngân. Tất cả phải công khai, sòng phẳng, cộng sinh, cùng có lợi.
Tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp Hải Dương dự kiến tổ chức cuối tuần này, doanh nghiệp cần phản ánh đầy đủ, rõ ràng tình hình thực tế, cũng như đề xuất, kiến nghị. Chỉ khi ngân hàng-doanh nghiệp thấu hiểu rõ tình trạng mỗi bên mới có thể “đục” điểm nghẽn, khơi thông dòng tín dụng.
SONG TƯỜNG