Làm gì để xứng đáng là đại biểu dân cử?

01/04/2021 15:15

Nhiều người đề cao năng lực, cái tâm, trách nhiệm với cử tri trong tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử.


Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại Ủy ban Bầu cử TP Chí Linh

Nêu cao trách nhiệm trước cử tri

Tại kỳ họp tổng kết hoạt động HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương phát biểu: "Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp phụ thuộc và được quyết định chủ yếu bởi chất lượng hoạt động của đại biểu. Vì vậy, để thực sự là người đại diện cho cử tri, phải bắt đầu từ chính vai trò, trách nhiệm, năng lực của từng đại biểu". Là đại biểu HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ, đại biểu Hường nhận thấy bên cạnh nhiều kết quả tích cực, chất lượng hoạt động của đại biểu vẫn chưa đồng đều. Một số đại biểu không có thời gian, điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri trong tiếp xúc cử tri còn hạn chế. Trong chất vấn có đại biểu còn băn khoăn lo ngại sau chất vấn sẽ ảnh hưởng đến bản thân, cơ quan, đơn vị... Do đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Tán thành với nhận định của đại biểu Hường, ông Phạm Đình Bảy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, đại biểu HĐND huyện Nam Sách cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, quan trọng nhất là phải có đội ngũ đại biểu có nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm trước cử tri, nhân dân. Mọi hoạt động của đại biểu dân cử đều không qua được tai mắt của nhân dân, cử tri. Do đó, theo ông Bảy, ngay từ khi được giới thiệu, người ứng cử phải nêu cao trách nhiệm, có nguyện vọng chính đáng làm "cầu nối" giữa cơ quan dân cử và nhân dân. Qua một nhiệm kỳ là đại biểu HĐND huyện, ông Bảy cho rằng đại biểu có trách nhiệm chính là người đi đâu, làm việc gì cũng gắn với vai trò của đại biểu, gắn với những việc cụ thể của địa phương mà nhân dân, cử tri quan tâm.

Dù là đại biểu kiêm nhiệm nhưng ở đâu, lúc nào ông Bảy cũng không quên tiếp xúc, lắng nghe, nắm bắt tiếng nói từ cử tri, hội viên, nhân dân để đem đến các kỳ họp HĐND huyện. Cũng theo ông Bảy, nếu thực sự hoạt động bằng cái tâm thì chắc chắn đại biểu sẽ đem đến HĐND tiếng nói từ tâm tư của cử tri, sẽ đeo bám đến cùng việc giải đáp ý kiến, kiến nghị của cử tri...

Trách nhiệm của cá nhân người ứng cử cũng được nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hoàng Văn Bảo cho rằng là điều kiện quan trọng nhất của mỗi đại biểu dân cử. Dù ứng cử ở cấp nào, người ứng cử cũng phải coi trọng trách nhiệm với cử tri, nhân dân nơi giới thiệu cá nhân mình. Từ đó thấy rõ vai trò và xác định vị trí đại diện của mình để phấn đấu, cống hiến. Mỗi đại biểu dân cử chính là người đại biểu của nhân dân nên trước hết, từ việc lựa chọn bầu cử đại biểu HĐND các cấp cần coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND. "Chỉ khi từng đại biểu HĐND hiểu chính xác, nắm rõ trách nhiệm của mình thì HĐND mới có được những quyết định đúng, khả năng thực thi cao”, ông Bảo nói.

Chọn người xứng đáng

Cử tri đóng vai trò quyết định lựa chọn đại biểu dân cử. Để khắc phục những hạn chế của cơ quan dân cử, đại biểu Nguyễn Thị Hường đề xuất ngay từ các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử cần quan tâm làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của HĐND ở các địa phương. Điều này nhằm nâng cao nhận thức để toàn thể nhân dân, cử tri đánh giá đúng về vai trò của HĐND, cũng như ý thức, trách nhiệm trong nghiên cứu, bầu chọn người đại diện xứng đáng.

Mỗi dịp chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp chính là điều kiện, cơ hội để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Hơn bao giờ hết, trách nhiệm, quyền lợi của cử tri cần được phát huy cao độ để góp phần lựa chọn, bầu ra được những đại biểu xứng đáng. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu HĐND các cấp cũng kiến nghị cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách cao hơn tỷ lệ hiện nay, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm. Cần quy định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND. Định kỳ, mỗi đại biểu HĐND các cấp phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của chính mình với cử tri nơi đã bầu chọn ra đại biểu...

PV

(0) Bình luận
Làm gì để xứng đáng là đại biểu dân cử?