Đời sống văn hóa

Ký ức “Tết con ngựa” ở Điện Biên

PHẠM XƯỞNG 15/02/2024 20:30

Giữa khó khăn thiếu thốn trăm bề mà cơ quan tiền phương chiến dịch vẫn quyết tâm lo cho anh chị em một cái Tết ý nghĩa.

tu-lieu-tiep-te-hau-can-trong-chien-dich-dien-bien-phu.jpg
Tiếp tế hậu cần trong chiến dịch Điên Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tôi may mắn được dự buổi giao lưu hồi tưởng về không khí những ngày đón Xuân Giáp Ngọ - “Tết con ngựa” 1954 ở mặt trận Điện Biên Phủ, do bác Nguyễn Văn Huyên và các cựu chiến binh nguyên là cán bộ Cơ quan Tổng cục Cung cấp (tiền thân Tổng cục Hậu cần Quân đội ngày nay) trực tiếp tham gia chiến dịch kể lại. Thật cảm phục các cụ! Giữa khó khăn thiếu thốn trăm bề mà cơ quan tiền phương chiến dịch vẫn quyết tâm lo cho anh chị em một cái Tết giàu ý nghĩa, không thể nào quên.

Bánh chưng được chú ý đầu tiên. Gạo nếp ở đó tương đối sẵn. Hằng ngày vẫn “Ốm ăn cơm tẻ, khỏe ăn cơm nếp” (Vì người ốm không thể ăn cơm nếp thường xuyên được). Đậu xanh, lá dong cũng sẵn. Chỉ thiếu thịt làm nhân bánh. Ngay lập tức, Tư lệnh Cung cấp mặt trận quyết định chuyển cho các đoàn dân công những con lừa, con ngựa chiến lợi phẩm thu từ Lai Châu về. Tết cổ truyền năm con ngựa có “cỗ” thịt ngựa, có bánh chưng nhân thịt ngựa. Một ấn tượng hiếm có của đời người. Anh Luân, người Tứ Kỳ (Hải Dương), con nhà Nho, nhưng làm nghề đóng cối xay, mới được tuyển vào đội bảo đảm gạo cho mặt trận, ngồi gói bánh chưng liền “xuất khẩu thành chương”: “Tết ngựa, thịt ngựa, bánh chưng ngựa”. Ông Khánh trong đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa đối ngay: “Dân vui, công vui (dân công vui), bộ đội vui”. Anh Luân vỗ đùi đánh “đét”: “Hay! Bộ đội Cụ Hồ giành cái vui, cái tốt cho dân hưởng trước. Dân công được vui thì bộ đội mới vui. Thế cũng là Hậu thiên hạ chi lạc/ Tiên thiên hạ chi ưu”. Rồi anh tặng ông Khánh một cái khăn mặt bông, để lau mồ hôi trên đường tiếp vận.

tu-lieu-dong-bao-ta-tro-ve-dien-bien-phu-sau-ngay-chien-thang-7-5-1954.jpg
Đồng bào ta trở về Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng 7/5/1954. Ảnh tư liệu

Cuộc sống vật chất có khắc khổ, nhưng đời sống tinh thần vẫn rộn rã. Cũng trang hoàng khẩu hiệu viết bằng gạch non trên bức vách che tạm bằng cót: "Tất cả cho Điện Biên Phủ", "Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ". Thư của Bác Hồ gửi cán bộ và chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán (đăng Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 120, ngày 1/2/1954, tức 28 tháng chạp) được đọc ở các tụ điểm đón xuân: “Nhân dịp Tết năm Ngọ, Bác thân ái gửi lời chúc các chú: Năm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới. Các chú đã lập được nhiều chiến công. Hôm nay ngày Tết, các chú lại đang xung phong chiến đấu gian khổ, thi đua giết giặc. Bác luôn luôn nhớ các chú. Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa xuân năm nay thành mùa xuân đại thắng lợi. Bác chờ tin thắng trận các chú gửi về mừng quà Tết cho Bác. Bác chuẩn bị sẵn giải thưởng cho đơn vị và cá nhân có nhiều chiến công. Chào thân ái và quyết thắng!”.

Bài thơ chúc Tết của Bác được mọi người nhanh chóng thuộc làu. “Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành/ Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to/ Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn/ Quân và dân ta nhất trí kết đoàn/ Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công/ Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông/Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”. Khí thế như đang vào trận.

Đội chiếu bóng lưu động đi khắp các kho, trạm bến bãi, các nơi tập kết dân công, bộ đội để chiếu phim phục vụ. Anh em can vải, khâu bạt che phía sau, tránh ánh sáng điện hắt lên trời. Khi có tiếng máy bay thì gõ kẻng, tắt đèn. Tất cả im lìm trong bóng tối và sẵn sàng phân tán theo các hướng đã quy định sẵn. Anh Hoàng Hải làm đội trưởng kiêm thuyết minh, trước mỗi buổi chiếu đều thông báo tin tức mặt trận. Sát giờ mở máy lại nhắc nhở: “Đi đâu mà vội mà vàng/ Đi xem chiếu bóng lại càng vội hơn”. Các bộ phim được chiếu nhiều là "Bạch Mao Nữ", "Cờ hồng trên núi Thủy", "Tân Bắc Kinh" (Phim Trung Quốc); “Lê nin với cách mạng Tháng Mười" (phim Liên Xô). Ngoài bộ đội, dân công, còn có cả bà con địa phương đến xem. Tối nào cũng đông nghịt người. Hết phim lại gọi nhắn theo xe: "Nhớ đến đơn vị bọn mình ở mặt trận để chiếu phim mừng thắng lợi nhé", còn khôi hài: "Ngày mai nắng ráo vào đơn vị minh chiếu phim ban ngày cho rõ nhé". Các đoàn văn công từ phía sau lên mặt trận, chia thành từng tổ đi phục vụ. Đoàn văn công Quân dội do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách với tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Mạnh Thắng, biểu diễn các bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” trang trọng, “Áo mùa đông” đằm thắm trữ tình, “Hành quân xa”, “Đánh trận Him Lam” hùng tráng, ca cảnh “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” nêu gương chị Nguyễn Thị Chiên anh dũng đấu tranh ở địch hậu. Tiếng hát “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa... Bộ đội ta vâng lệnh cha già, về đây giải phóng quê nhà...” đầy lạc quan tin tưởng. Đoàn nghệ sĩ ca hát đến cơ quan cung cấp tiền phương có chị Bạch Trà-nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của nghệ thuật tuồng miền Bắc. Nhiều đồng chí lớn tuổi yêu cầu chị Trà hát ca trù nhân dịp năm mới. Giữa gian khổ muôn trùng, giữa lúc khó khăn chồng chất ở mặt trận, tiếng ca trù vút lên, quốc hồn quốc túy như hiển hiện, xua đi nỗi mệt nhọc, lo âu.

px-nghia-trang-dien-bien-phu.jpg
Nghĩa trang Điện Biên Phủ

Họa sĩ Văn Giáo đi chiến dịch với chiếc cặp đựng giấy, bút vẽ, phấn màu đeo bên hông. Qua nhiều đoạn đường, anh vẽ dân công gùi thồ, vẽ các cô gái Thái với những bộ váy áo nhiều màu sắc; người ngồi bên khung dệt, bên bếp lửa; người gánh đôi đậu lội qua suối. Anh còn triển lãm những bức vẽ của mình với lời hướng dẫn: “Xem tranh phải đứng xa 2-3 mét, nheo mắt lại mà nhìn mới thấy cái đẹp của tranh”. Tại cơ quan Cung cấp tiền phương, họa sĩ Văn Giáo vẽ một cành đào gốc to, xù xì; cả nụ, cả hoa, cả búp lá xanh kèm theo dòng chữ “Chúc mừng Xuân Giáp Ngọ” rồi tổ chức bình tranh. Có người chê gốc đào to và gồ ghề như củi gộc. Người nói cần vẽ thêm quả để thờ... Một bác dân công có khiếu văn học bình luận: “Gốc đào to và gồ ghề xù xì nhưng nảy nụ hoa, búp xanh là nói miền Tây Bắc gian khổ nhưng kiên cường, vẫn đứng vững đón mùa xuân mới, chiến thắng mới. Đúng ý tác giả, liền được hoan hô. Theo ý kiến của mọi người, Anh Văn Giáo liền vẽ thêm một bức, đem tặng Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Thú vị không kém là phần tự biên tự diễn, kể chuyện quê nhà. Điệu “Hò lờ” giản dị mà vui tai được đôi bên nam nữ đối đáp: “Bộ đội mà gặp dân công (tiếng đế: Ai đi hò lờ)/Như cá gặp nước (Ai đi hò lờ)/Như rồng gặp mây (Hò lơ, hớ lơ, lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ!). Đèo cao thì mặc đèo cao (tiếng đế: Ai đi hò lờ)/Ta lên đến đỉnh (Ai đi hò lờ)/Ta cao hơn đèo (Hò lơ, hớ lơ, lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ!)”... Có anh dân công lúc trước nhớ nhà quá, khóc như trẻ con, nghe câu hò thì ngay lập tức mặt mày lại rạng rỡ như mùa xuân đang về, hứa hẹn những thắng lợi huy hoàng đang chờ ở phía trước...

PHẠM XƯỞNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức “Tết con ngựa” ở Điện Biên