Ký ức người xa xứ

03/09/2018 07:00

Tôi trở về sau mấy chục năm phiêu dạt xứ người. Cái xóm Trại nghe có vẻ quê mùa nhưng chất chứa trong lòng tôi biết bao nỗi nhớ.

Tôi trở về sau mấy chục năm phiêu dạt xứ người. Cái xóm Trại nghe có vẻ quê mùa nhưng chất chứa trong lòng tôi biết bao nỗi nhớ. Một dòng sông e ấp sương mai. Một cánh đồng trỗi dậy sau trận úng lụt. Một làn chèo cổ làm say mê cả những tâm hồn queo quắt. Những ngôi nhà mái rạ thấp tè, bạc phếch chìm trong màu xanh cây cối. Tiếng lá rơi hoa rụng. Tiếng côn trùng hoang hoải. Như có chất men say.  

Nơi tôi đang sống chỉ có hai mùa mưa nắng. Vào những ngày này vẫn còn nắng. Qua đế giầy cảm nhận như có mũi kim chích dưới bàn chân. Những ngọn gió khô khốc, nóng như rang ào thổi. Mùa thu chỉ là cảm nhận. Không có sắc nắng vàng. Không có gió heo may. Không có hương hoa sữa nồng nàn. Nghĩa là không có bất cứ thứ gì gọi là hồn cốt của mùa thu nơi quê nhà. Ở đây, cộng đồng người Việt thường cùng nhau tổ chức những ngày trọng đại. Ngày lễ Vu lan báo hiếu cũng bông hồng cài áo. Ngày Tết Trung thu cũng phá cỗ trông trăng. Nhưng hình như ai cũng vội. Thời gian dành cho nhau ít quá. Chỉ có những cặp mắt nhìn nhau vời vợi. Nó như thiếu một cái gì đó mà không nói được bằng lời.

Không ai giải thích nổi tại sao những ngày trọng đại của đất nước, của làng tôi lại luôn gắn với cái mùa đẹp nhất trong năm. Ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi; ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; ngày giải phóng, ngày khai trường. Rồi ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xóm Trại. Ngay cái ngày giặc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng vào mùa thu. Trong tâm trí tôi chợt hiển hiện về một cái làng lúa và hoa của mấy chục năm trước. Vất vả và đói ăn. Cái làng nhỏ bé ấy chịu đựng nhiều cuộc ném bom của không quân Mỹ. Bom tấn bom tạ, bom khoan bom phá, đủ các loại bom, đủ hình đủ dạng. Lại có những quả bom còn vẽ cành ô liu, con chim bồ câu trắng nữa. Thật trơ trẽn và lừa dối. Sau những trận bom ấy, người còn sống đi thu nhặt thi thể người xấu số và vật dụng còn sót lại. Tiếng cô bạn học cạnh nhà thảm thiết: "Mẹ ơi, sách vở của con bay hết rồi. Tìm cho con với. Sắp khai giảng rồi". Trời ơi, khắp làng hố bom loang lổ. Màu đỏ của máu. Màu đỏ của hoa. Trộn lẫn. Nhức nhối. Nhiều năm sau mỗi lần nghĩ lại, khóe mắt tôi vẫn còn cay cay. Nhưng sự hủy diệt ấy không làm ai kinh hãi hoang mang. Sáng hôm sau mọi người vẫn ra đồng "làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".

Làng quê giờ đổi thay nhiều quá. Những con đường bê tông phẳng lỳ. Mùi sơn vôi đặc quánh trong gió. Trăng đã lên. Không phải nhô lên sau rặng tre. Mà nhô lên từ những ngôi nhà xây cao chất ngất. Chẳng hiểu sao tôi cứ quẩn quanh mãi trên mẩu đường lát gạch nghiêng còn sót lại. Con đường mà biết bao cô gái làng khi đi lấy chồng phải nộp cheo. Giờ đây ai mất ai còn? Ai hạnh phúc, ai chưa hạnh phúc? Đâu rồi hàng tre khum khum, đan tay vào nhau che bớt cái nắng hè đổ lửa? Đâu rồi cái cổng làng vừa nhỏ vừa thấp, bên trên đắp nổi hai chữ "Hạ mã"? Nhớ cái ngày cả lũ rồng rắn đến từng nhà cướp "cháo thí" vào ngày "xá tội vong nhân". Ngày Tết Trung thu, trống đánh om xòm, đèn nến bập bùng át cả ánh trăng. Đêm ngủ chập chờn. Niềm vui của chúng tôi ngày ấy chỉ giản đơn như thế, nhẹ nhàng như thế. Nhưng mang lại cái không khí ấm cúng và thân thương biết bao nhiêu. Người lớn cũng vui. Cái nền nếp ấy cứ lan từ nhà nọ sang nhà kia. Lan khắp xóm Trại.

Cái thời đi bộ đã lùi xa. Mới lại, cổ nhân từng dạy: "Thương hải tang điền". Vẫn biết không thể lấy cái quá khứ để kìm hãm cái phát triển của thời đại. Nhưng sao tôi vẫn tiêng tiếc bâng quơ. Người làng tôi đang làm quen và hòa nhập với cuộc chuyển mình "đô thị hóa nông thôn". Và tôi cũng phải cố hòa nhập. Chỉ mong sao cái hồn cốt của làng được trân trọng giữ gìn muôn thuở.

Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức người xa xứ