Lịch sử đã lùi xa song thời khắc giành độc lập dân tộc vẫn là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam.
Quảng trường Ba Đình ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Ảnh tư liệu
Từ khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công đến sự kiện lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội) ngày 2.9.1945 là quãng thời gian không thể nào quên trong ký ức của nhiều cán bộ lão thành.
"Hôm đó, ai cũng vui mừng phấn khởi. Những người dân buôn bán nghỉ cả buổi chợ vào đình làng mít tinh, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh", ông Nguyễn Xuân Giao năm nay đã bước sang tuổi 91 ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) bồi hồi nhớ lại ngày giành chính quyền ở xã Nhật Tân (Gia Lộc), quê hương ông. Ông kể trước ngày giành chính quyền, không khí sục sôi khắp nơi. Ở các thôn xóm, Việt Minh lập ra các đội tự vệ. Được những người đi trước giác ngộ, ông Giao cũng tham gia. Ngày 18.8.1945, đội tự vệ cùng nhân dân thôn Cao Duệ đồng loạt kéo ra đình làng biểu dương thanh thế. Ông giáo Triển - người dạy học ở thôn thay mặt cho Việt Minh huyện tuyên bố giành chính quyền và yêu cầu lý trưởng, phó lý giao nộp giấy tờ, sổ sách. Ông Phạm Văn Giống được cử làm Chủ tịch Hành chính xã lâm thời. "Sau khi giành chính quyền, tôi được cử làm đội phó đội tự vệ của thôn Cao Duệ. Ngày ngày, đội tự vệ ra sân kho tập võ, tối đến chia nhau đi gác bảo vệ làng, bảo vệ chính quyền non trẻ”, ông Giao nói.
Những ngày sau đó, không khí ở xã Nhật Tân vẫn sôi động. Theo lời ông Giao, sau khi chính quyền về tay nhân dân, ai cũng hối hả thực hiện các công việc. Các tổ, hội theo từng lớp, giới được thành lập để bảo vệ cách mạng. Sôi động nhất là Hội Phụ nữ. Chị em quyên tiền mua vải may cờ. Buổi tối tại đình làng Cao Duệ, các bà, các mẹ tập trung may cờ đến tận khuya. Chiều 2.9, thôn giao người đi khắp các xóm dùng loa tay thông báo nhân dân sáng 3.9 ra đình làng mít tinh. Buổi tối hôm đó, tại đình làng, tự vệ ngoài đi gác còn phụ giúp các bà, các chị phân phát cờ cho các xóm, dán băng rôn, biểu ngữ trang trí. Cả thôn Cao Duệ đêm đó gần như không ngủ. Sớm 3.9, xóm thôn nhộn nhịp tiếng người. Ai cũng dậy sớm để đón chào thời khắc lịch sử. Tỏ mặt người, nhân dân xã Nhật Tân với băng, cờ, biểu ngữ, xếp theo từng hội, giới từ các xóm kéo về đình làng Cao Duệ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Tại đình làng, khi mọi người đã đông đủ, ông giáo Triển bước lên diễn thuyết. Ông thông báo hôm qua 2.9, tại Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được bầu làm Chủ tịch nước. Người cũng đã đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ nay, nước Việt Nam đã trở thành nước độc lập. Nhân dân Việt Nam đã được tự do. Ông giáo Triển vừa dứt lời, tiếng hô “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” dậy lên như sấm. Trên gương mặt ai nấy đều hiện rõ niềm tự hào hãnh diện.
Trong ký ức của ông Trần Văn Sang, 90 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo (TP Chí Linh), không khí những ngày thu lịch sử năm 1945 vẫn còn nguyên vẹn. Hôm đó, ông Sang đi tuyên truyền ở xã Bắc An thì nhận được lệnh gọi về gấp. Về tới nơi, anh em cùng cơ quan báo tin sáng 2.9, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mọi người bắt tay nhau trong niềm vui khôn xiết. Sau đó, tại Chí Linh tổ chức mít tinh chào mừng sự kiện trọng đại. Khắp nơi rực rỡ băng, cờ, khẩu hiệu. Không khí vui tươi, náo nức chẳng khác nào buổi mít tinh ngày giành chính quyền. "Khi đồng chí cán bộ tuyên truyền của Chí Linh tóm tắt lại sự kiện đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2.9, cả rừng người im phăng phắc như nuốt lấy từng lời. Sau đó, tiếng trống thúc, tiếng hô vang khẩu hiệu tạo nên không khí sục sôi chưa từng có. Gương mặt ai nấy rạng ngời niềm tự hào khi trở thành công dân một nước độc lập. Sau đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ trở lại các xóm thôn, tập hợp thanh niên tuyên truyền rộng rãi về sự kiện này", ông Sang nhớ lại.
Gia đình ông Sang là cơ sở nuôi giấu các cán bộ trước khởi nghĩa, trong đó có các đồng chí Trần Cung (giáo Cư), Đặng Tính, Nguyễn Khẩn... Ông Sang và anh trai Trần Văn Sửa đều sớm giác ngộ cách mạng. Trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, ông Sang được giao làm công tác giao thông liên lạc. Ông còn nhận nhiệm vụ bảo vệ cho cán bộ khi tổ chức diễn thuyết, rải truyền đơn ngoài bến thuyền. Sau mỗi cuộc diễn thuyết lại bí mật đưa cán bộ ta sang vùng an toàn. Những ngày Cách mạng Tháng Tám, ông Sang cùng đội tự vệ của xã Hưng Đạo tổ chức thuyền với băng, cờ, khẩu hiệu vượt sông sang phối hợp với lực lượng cách mạng ở Yên Dũng (Bắc Giang) cướp chính quyền bên đó và tổ chức mít tinh tại núi Kỷ Niệm.
Cả ông Giao, ông Sang sau này đều tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Ông Sang được cử về Huyện đoàn làm cán bộ tuyên truyền. Ông Giao vào Vệ quốc đoàn của huyện Gia Lộc, trở thành Chính trị viên Đại đội 79, Tiểu đoàn 234. Trong trận chiến đấu tại bốt Neo (Thanh Miện), ông Giao bị thương cụt mất một cánh tay. Sau đó, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Công nghiệp nặng.
Lịch sử đã lùi xa song thời khắc giành độc lập dân tộc vẫn là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam.
NGỌC HÙNG