Từng đợt gió bấc tràn về len lỏi vào các góc phố, hàng cây, tôi chợt nao lòng nhớ về những mùa đông ấu thơ.
Từng đợt gió bấc tràn về len lỏi vào các góc phố, hàng cây, tôi chợt nao lòng nhớ về những mùa đông ấu thơ. Có lẽ chỉ có những đêm mùa đông lũ trẻ mới được quây quần bên nhau để nghe bà và mẹ kể đủ các loại chuyện ngày xửa, ngày xưa. Tôi còn nhớ hồi đó nhà tôi có một cái ổ rơm ở góc nhà. Những bó rơm khô vàng được bà nội tôi cuộn lại rồi xếp thành từng lớp ở dưới đất và bện rơm như đuôi sam to bằng bắp chân vừa đủ quây vào một góc nhà sau đó phủ lên trên là một tấm chiếu cói. Chỉ như vậy thôi mà chị em tôi đã có một cái đệm vô cùng tiện lợi, giản đơn và êm ấm. Chúng tôi ngồi trên chiếc ổ rơm chơi đủ các trò mà chúng tôi nghĩ ra trong chiếc đệm “thần kỳ” đó. Thú thật, ngay cả giờ đây khi đã có chăn ấm, đệm êm tôi vẫn không thể nào quên những năm tháng được cuộn mình trong cái ổ rơm của bà tôi thủa ấy.
Ngày ấy mùa đông, chúng tôi không có những chiếc áo dày dặn như những đứa trẻ con thôn quê bây giờ. Có đứa mặc độn đến ba, bốn cái áo thành ra “áo trong lại bong áo ngoài”, trông ngồ ngộ và buồn cười làm sao. Đứa nào may mắn lắm thì được mặc lại những cái áo khoác đã cũ hoặc bị ngắn của anh chị để lại cho. Giày dép cũng chẳng có, chỉ có một đôi duy nhất thường để dành cho những buổi đến lớp. Dưới trời rét buốt, chúng tôi cứ chân đất từ sáng đến tối rồi cả ra đồng lội ruộng giúp việc cho gia đình. Bởi thế mà mùa đông hầu như đứa trẻ nào ở quê tôi cũng bị nẻ phát cước ở chân, tay, mặt mày trông đến sợ. Có những hôm trời lạnh cóng, đứa bạn tôi bị nẻ tứa cả máu ở gót chân vẫn đi khập khiễng đến lớp học. Lũ trẻ thôn quê chúng tôi vẫn cứ vô tư vượt qua những mùa đông như thế để lớn lên. Ngày đó, bố mẹ tôi cũng chẳng có thuốc gì để chữa vết nứt nẻ cho chúng tôi. Rất may, không biết học ở đâu hay các cụ truyền lại mà bà nội tôi đã chế ra một thứ thuốc bôi nẻ rất hiệu nghiệm. Đó là mỡ gà. Khi nhà có khách quý hoặc có giỗ, bà nội tôi mới cho mổ gà. Mỗi con gà mổ ra chỉ được một tí mỡ, bà rán lại rồi cẩn thận đựng vào một cái lọ thủy tinh nhỏ. Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ bà lại lấy ra bôi vào má, vào chân tay cho chị em tôi. Mùi rơm trong ổ thơm nồng nồng, mùi ngầy ngậy, ngai ngái của mỡ gà quện lại và đưa chị em tôi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không biết.
Lại có những ngày mùa đông, nước được tháo về để đổ ải, khắp cánh đồng phủ một màu trắng xóa hun hút trong gió bấc cào. Máy cày bừa đã xuống đồng làm đất cho vụ cấy lúa xuân. Máy chạy tới đâu, những gốc rạ sau vụ gặt mùa còn sót lại nổi lềnh bềnh thành từng mảng tới đó. Mặc cho gió rét, mẹ con tôi vẫn lội ruộng vớt những gốc rạ phơi lên bờ mương để khi nào khô sẽ chở về nhà. Những gốc rạ ấy, mẹ tôi bảo sẽ đốt thành đống dấm lửa bên cạnh chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu trong những ngày rét đậm vừa để cho chúng đỡ lạnh, vừa để lấy tro làm phân bón ruộng. Mẹ bảo súc vật chúng cũng như người con ạ, mình còn có quần áo để mặc chứ nó sẽ bị chết nếu trời lạnh quá. Mẹ cứ chăm chút ruộng vườn rồi trâu, gà, lợn như thế để chờ qua mùa đông lại có những lứa lợn, lứa gà mang đi bán lấy tiền mua thêm sách vở và may cho chúng tôi những bộ quần áo mới diện trong ngày Tết.
Giờ đây mỗi khi mùa đông về, làm sao tôi có thể quên được những ngày lạnh giá, những đêm đông được nằm cuộn mình trong chiếc ổ rơm nghe bà và mẹ kể chuyện cổ tích. Nhớ cái mùi rơm thơm nồng, mùi mỡ gà ngầy ngậy, ngai ngái và cảm nhận tình yêu thương ấm áp vô bờ bến của những người thân yêu nhất trên đời. Những đêm đông như thế sẽ chẳng bao giờ nhạt phai trong ký ức của tôi.
Tản văn của BÙI THỦY