Cách đây tròn 60 năm, đường Trường Sơn được mở ra và trở thành tuyến đường trọng yếu của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh (bên trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa tại ngã ba đường 12. Ảnh tư liệu
Giặc điên cuồng bắn phá nhưng không thể nào cản nổi các đoàn quân, hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Mở đường
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương từng có hơn 10 năm gắn bó với đường Trường Sơn, làm các nhiệm vụ từ gùi hàng, giao liên, mở đường... Là một trong hơn 1.000 chiến sĩ trẻ của Hải Dương trong Trung đoàn 5 lên đường nhận nhiệm vụ, chàng thanh niên Lê Hồng Sơn khi đó cũng hừng hực khí thế tòng quân đánh giặc. Sau thời gian huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ đột xuất của Bộ Tổng tham mưu, Trung đoàn 5 được điều động bổ sung lực lượng cho Đoàn 559. Đơn vị của ông Sơn nhận nhiệm vụ cùng các trung đoàn khác mở đường 20 Quyết Thắng, nhằm phá thế độc đạo của tuyến đường 12. Đây là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.
Tháng 1.1966, đơn vị của ông Sơn đảm nhận nhiệm vụ mở đoạn đường ở phía tây, thi công từ ngã ba Lùm Bùm (km 123) qua ngầm Ta Lê đến đèo Phu La Nhích thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào). Phần vất vả nhất khi làm tuyến đường này là đoạn qua đèo Phu La Nhích có dốc dựng đứng hay đoạn nước chảy xiết như Chà Là, Ta Lê... Các chiến sĩ phải mất nhiều ngày đêm liên tục treo mình trên vách đá để phá núi, khoét đèo mở đường. Tháng 5.1966, đường 20 chính thức thông tuyến từ Phong Nha (Quảng Bình) qua đất bạn Lào rồi thông với đường 9, rút ngắn được thời gian vào Nam. Từng chiếc xe cơ giới chở lương thực, vũ khí, thuốc men nối đuôi nhau vào chiến trường miền Nam.
Gùi hàng qua đèo
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường, ông Sơn cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 5 được bổ sung thêm lực lượng thành lập Binh trạm 7, tiền thân Binh trạm 42, đóng quân tại khu vực A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Đơn vị mới có nhiệm vụ gùi lương thực, thực phẩm, súng đạn theo đường giao liên vào mùa mưa. Vào mùa này, đường Trường Sơn lầy lội, nhiều đoạn xe cơ giới không thể đi qua. Hơn nữa, có nhiều điểm như dốc Mèo thường xuyên bị địch thả bom, bắn phá rất ác liệt, khoảng 15 phút máy bay địch lại ném bom. Vì thế để chuyển hàng vào miền Nam được nhanh chóng, buộc phải dùng sức người gùi hàng từ binh trạm này sang binh trạm khác.
Gùi hàng chủ yếu là gạo, súng đạn. Gùi gạo dễ nhất, sau đó tới gùi súng. Gùi đạn AK vất vả nhất, các chiến sĩ sáng tạo ra các giá để xếp hộp đạn gùi hàng được dễ dàng hơn và không bị đau lưng. Sau khi ăn sáng, các chiến sĩ xuống kho dưới khe núi nhận hàng gùi đi tới các điểm tiếp theo để chuyển xe chở tiếp vào chiến trường. Bình thường mỗi chiến sĩ gùi được 30 kg, có nhiều người gùi tới 50 - 70 kg hàng. Mỗi ngày các chiến sĩ phải gùi hàng nặng đi quãng đường 30-40 km cả đi lẫn về. "Mùa mưa đường trơn, dốc, đi bộ không còn khó nữa là trên lưng gùi mấy chục cân hàng, thế mà anh em cứ kiên trì vượt dốc. Đường trơn nên chỉ có thể đi chân đất hoặc đi giày có đế đinh mới vượt qua được những đoạn lầy lội. Có không ít anh em đã hy sinh khi đi gùi hàng", ông Sơn kể.
Gian khổ
Sống ở Trường Sơn nên mọi thứ đều thiếu thốn. Các điểm đóng quân của các binh trạm được dựng lều lán. Các chiến sĩ chặt cây gỗ dựng khung, mái lợp lá, đánh dập cây nứa để làm sập. Mỗi lán có chừng 20 người. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa các chiến sĩ phải dùng tăng nilon làm mái che. Đêm nằm giữa rừng sương xuống rét buốt, vào mùa mưa bùn ngập ngang bàn chân. Có những đợt địch phá đường, xe hàng tắc dài nên các mặt trận khan hiếm lương thực. Các chiến sĩ phải nấu cháo loãng ăn cho qua bữa.
Ông Vũ Xuân Nhượng, Chủ tịch Hội Truyền thống bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Tứ Kỳ vẫn còn nhớ những ngày gian khổ bám đường. Thuộc Tiểu đoàn 56, Binh trạm 44 tuyến đường ngang hướng B1, đơn vị ông Nhượng có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường Liên khu 5. Cung đường đơn vị đảm nhận vận chuyển dài hơn 100 km, từ ngã ba sân bay Chà Vằn (Lào) vào Làng Hồi (Kon Tum). Địa bàn hoạt động rất phức tạp, đường hẹp, nhiều đèo dốc, lầy lội. Có những đoạn đường lún, công binh phải chặt cây lát đường chống lầy rất vất vả. Trên tuyến đường ấy có nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt như ngã ba Chà Vằn, ngầm Xê Ca Mán... "Mùa mưa ẩm ướt, các chiến sĩ còn bị ruồi vàng đốt, mọc mụn đầy người. Rồi sốt rét rừng liên miên, đói cơm, nhạt muối là chuyện thường với mỗi người lính Trường Sơn", ông Nhượng nhớ lại. Khó khăn, đói khổ là thế nhưng người lính Trường Sơn vẫn bám trụ vị trí chiến đấu, đoàn kết, giúp đỡ đồng đội.
Suốt 16 năm làm nhiệm vụ, con đường Trường Sơn huyền thoại đã hoàn thành cực kỳ xuất sắc vai trò lịch sử của mình. Và trên con đường ấy gắn với kỷ niệm của hàng nghìn chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Với họ, được sống, chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại là một vinh dự lớn lao trong cuộc đời.
TUẤN LINH