Ký ức diệt giặc dốt năm xưa

02/09/2019 11:34

Có thể khẳng định rằng phong trào Bình dân học vụ không chỉ diệt được giặc dốt mà còn mở ra trí tuệ cho toàn quân và toàn dân.


Hướng dẫn các cháu lớp mẫu giáo 5 tuổi làm quen bộ môn hội họa tại Trường Mầm non công lập Hương Sen, phường Ái Quốc (TP Hải Dương)      

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền đã về tay giai cấp công - nông; tổ chức bộ máy nhà nước gọi là Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời và cầm quyền thực sự. Từ tỉnh đến xã là ủy ban hành chính các cấp. Song bên cạnh tổ chức chính quyền còn vô vàn khó khăn đòi hỏi giải quyết.

Bác Hồ đã khẳng định giai đoạn ấy chúng ta phải đương đầu với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sở dĩ Bác gọi là giặc dốt vì từ 1945 trở về trước, ở nước ta tồn tại ba loại chữ viết: chữ Hán (chữ nho), chữ Pháp và chữ quốc ngữ (là chữ ngày nay ta đang dùng). Chữ Hán lúc này đã vào giai đoạn cuối mùa nhưng vẫn còn một số ít theo học. Chữ Pháp cũng chỉ dạy ở nhà trường phổ thông, nhất là các trường đào tạo quan chức cho nhà nước thuộc địa. Còn lại chữ quốc ngữ là chữ của ta nhưng hầu hết dân ta ăn đói, mặc rách, không có điều kiện cho con cháu đến trường. Vì thế nhìn tổng thể số người biết chữ (kể cả chữ Hán, Pháp và quốc ngữ) chiếm có 5%. Còn lại 95% người Việt Nam mù chữ. Một quốc gia độc lập mà dân không biết chữ là đồng nghĩa với ngu muội, dốt nát thì làm sao tiếp thu được về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học... Và muôn đời đất nước ấy sẽ nghèo hèn. Từ nghèo hèn thì độc lập, tự do cũng không giữ được. Chính Bác Hồ đã nói ở hội nghị chính phủ họp ngày 3.9.1945: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

Chính vì thế, Đảng và Chính phủ đề ra đường lối diệt giặc dốt song song với diệt giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Thực hiện chủ trương ấy, Chính phủ phát động một phong trào "Toàn dân diệt dốt". Nhà nước có Nha Bình dân học vụ. Tỉnh, huyện, xã đều có ban bình dân học vụ. Tên của ban này rất sâu sắc và cụ thể, "Bình dân học vụ" là mọi người bình dân phải coi việc học là nhiệm vụ của mình. Đã là nhiệm vụ thì gắn với bắt buộc phải làm chứ không theo sở thích cá nhân nữa. Khẩu hiệu nhắc nhở mọi người đi học được viết bằng vôi, bằng than củi ở trên bờ tường, ở nong, nia, mẹt, cót rồi treo mọi nơi. Học viên thì đủ mọi lứa tuổi, già, trẻ, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên. Người dạy được coi là chiến sĩ diệt dốt. Người ta học ngày, học đêm, học ở ngoài đồng, học ở chợ, học ở trường tùy từng nơi và từng hoàn cảnh cụ thể. Thầy dạy cũng đa dạng. Chính quyền vận động những thầy đồ nho biết chữ quốc ngữ để dạy cho các lớp. Những công chức làm việc cho Pháp trước kia đứng ra dạy, tất cả đều không có lương. Học sinh chưa qua bậc tiểu học cũng làm thầy. Thậm chí người học qua dạy người mới học. Sách vở lúc ấy rất hiếm. Ai có vở, bút mực thì viết chữ bằng bút mực. Không có thì dùng gạch non, than củi viết lên sân, lên tường mà học. Chương trình học không có. Sách giáo khoa cũng không. Chỉ biết là học để biết chữ, để đọc được sách. Vì thế đầu tiên học là chữ i, chữ t, rồi o, a, n, m... sau đó ghép lại thành vần "tờ i ti", thêm dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Sau khi nhận mặt, nhận tên các chữ cái a, b, c... (bấy giờ chỉ có 23 chữ cái) thì tập viết rồi ghép vần, ghép chữ. Mọi người viết đến đâu là dịch vần đọc lên đến đấy. Vậy mà học 3 tháng nhiều người đã đọc thông viết thạo. Cá biệt có người đã đọc được báo. Tâm lý khi biết đọc biết viết, ai cũng sung sướng như là người mù được sáng mắt trở lại.

Một biện pháp để kích thích toàn dân phải học là đánh vào lòng tự trọng của mọi người. Hình thức phổ biến là "đố chữ". Đố chữ thường diễn ra ở cổng làng, ở bến đò, ở chợ. Chẳng hạn nơi cổng chợ, ban tổ chức làm hai lối vào. Lối chính có người cầm biển có ghi vài ba chữ như "nước Việt Nam" hay "dân chủ", "nhân dân", "núi rừng", "đồng ruộng","Bình dân học vụ"... Người đi chợ phải đọc được một chữ nào đó do người đố đưa ra. Nếu đọc được thì mới được vào cổng ấy. Không đọc được thì phải đi lối khác có khi xa hơn, khó đi hơn. Cách đố chữ này làm một số người chưa biết đọc có phần xấu hổ với bạn chợ. Vì vậy khi về nhà họ quyết định học bằng được. Thế là thêm một động cơ để mọi người tự giác học.

Cứ như thế, người biết dạy người chưa biết, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Chính phủ thống kê trên đất nước ta đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Trong quá trình dạy và học, người ta đã sáng kiến đặt văn vần giúp người học dễ nhớ mặt chữ như: " O tròn như quả trứng gà/ ô thì đội nón, ơ già thêm râu". Hoặc "i tờ giống móc cả hai/ i ngắn có chấm, tờ dài then ngang" (hai chữ cái i, t). Hoặc để khích lệ thanh niên, phụ nữ học tập, người ta đặt câu vè: "Trời mưa nước chảy qua sân/ Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa?/ Đánh vần năm ngoái năm xưa/ Năm nay quên hết nên chưa biết gì"...

Dấu ấn đi học Bình dân học vụ vào tranh ký họa của Tô Ngọc Vân. Họa sĩ vẽ một nông dân đã luống tuổi, đốt đuốc đi học đêm. Nhà thơ Tố Hữu ở bài thơ "Phá đường" có câu: "Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi/ Hố ngang hố dọc chữ i, chữ tờ". Ở bài thơ Việt Bắc cũng có dấu ấn của học xóa mù chữ: "Nhớ sao lớp học i tờ"... Một loạt ca dao về bình dân học vụ đã đi vào trí nhớ mọi người như "Rủ nhau đi học i tờ/ Xem tin đọc báo, xem thơ dễ dàng". Hoặc  "Cô kia vừa đẹp vừa giòn/ Cô không biết chữ, cô còn lấy ai", "Lấy chồng biết chữ là tiên/ Lấy chồng mù chữ là duyên nợ nần"...

Từ cuối 1946, toàn quốc đứng lên kháng chiến nhưng phong trào học để thoát nạn mù chữ, học để đọc thông viết thạo vẫn được duy trì và có chất lượng cao. Đặc biệt ở các đơn vị bộ đội thì người lính học ngay nơi đóng quân, học ở doanh trại, học trên đường hành quân... Trong nhà tù đế quốc, nhiều chiến sĩ bị cầm tù vẫn nhờ bạn dạy chữ.

Có thể khẳng định rằng phong trào Bình dân học vụ không chỉ diệt được giặc dốt mà còn mở ra trí tuệ cho toàn quân và toàn dân. Không những thế nó còn bồi đắp cho bề dày truyền thống hiếu học của dân tộc. Nó còn là tiền đề của công tác bổ túc văn hóa sau này. Mặt bằng học vị của người Việt Nam ta có được như ngày nay cũng là nhờ vào chủ trương diệt giặc dốt do Bác Hồ đề xướng và chỉ đạo cách đây trên 70 năm.

VĂN DUY

(0) Bình luận
Ký ức diệt giặc dốt năm xưa