Quốc phòng

Ký ức của người lính biệt động Sài Gòn

TRƯƠNG HÀ 30/04/2024 11:00

49 năm đã qua đi, ký ức về ngày chiến thắng 30/4/1975 của ông Nguyễn Xuân Chiện ở khu 3, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) - cựu lính biệt động Sài Gòn năm xưa vẫn còn nguyên vẹn.

ong-chien-ke.jpg
Ông Nguyễn Xuân Chiện kể lại những tháng năm tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn và Chiến dịch Hồ Chí Minh

Hoạt động ở vùng sông nước

Ngày 4/5/1966, khi vừa tròn 19 tuổi, ông Nguyễn Xuân Chiện lên đường nhập ngũ, đóng quân tại một đơn vị của Quân khu Tả Ngạn (sau này là Quân khu 3) ở Bắc Ninh. Sau 3 tháng huấn luyện, tân binh Nguyễn Xuân Chiện được cử đi học quân y tại Trường Quân y Quân khu Tả ngạn. Tháng 1/1968, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều động vào miền Nam và đến tháng 6/1968, được bổ sung vào Đội N15 (biệt động Sài Gòn - Gia Định), đóng quân tại Đồng Tháp Mười.

Ông Chiện cho biết công việc khi đó chủ yếu là phục vụ tuyến sau; làm nhiệm vụ quân y, sơ cấp cứu cho thương bệnh binh. Đến tháng 5/1969, ông Chiện cùng Đội N15 biệt động Sài Gòn được điều động vào khu Cần Đước (Long An) để từng bước đánh sâu vào khu vực nội thành Sài Gòn. Là chiến sĩ biệt động nên ông Chiện được cấp thẻ căn cước (giả), quần áo dân sự để thuận lợi cho hoạt động, di chuyển.

Ông Chiện kể: “Đội của chúng tôi khi đó chủ yếu làm nhiệm vụ tổ chức ém quân, ẩn mình trong rừng đước, bảo toàn lực lượng, chờ lệnh đánh vào nội thành. Mọi hoạt động, sinh hoạt đều bám vào rừng đước, lấy sông nước làm căn cứ chiến đấu". Ban ngày, ông Chiện cùng đồng đội chặt bẹ dừa nước để dựng nên những tấm phản sinh hoạt, nấu cơm; tối lại lên bờ, vào nhà dân tuyên truyền, vận động nhân dân theo cách mạng. Khi bị địch đánh càn chỗ này, các ông lại di chuyển sang chỗ khác

Cựu lính biệt động Sài Gòn Nguyễn Xuân Chiện nhớ nhất thời điểm đầu tháng 8/1969 khi địch đánh càn vào khu Cần Đước, lực lượng của ta bị thương nhiều trong khi cả đội chỉ có mình ông là y sĩ. Ông Chiện vừa chăm sóc, vừa tham gia đưa thương binh đến nơi an toàn. “Sáng hôm đó, địch liên tục bắn pháo từ Long An về khu Cần Đước. Sau đó chúng tiếp tục đánh bom và càn quét toàn bộ dãy sông Phước Vân. Trong khi tôi đang cấp cứu cho 2 người bị thương thì 1 người khác bị trúng bom, hy sinh ngay cạnh, còn tôi bị thương ở đầu do đạn găm vào. Tôi chưa kịp định hình thì địch tiếp tục đổ bộ xuống càn quét. Do bị thương nặng, đơn vị không kịp đưa thương binh ra khỏi căn cứ, tôi và 2 đồng chí khác đã bị địch bắt”, ông Chiện nhớ lại.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

giay-chung-nhan.jpg
Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cấp năm 1975 vẫn được ông Nguyễn Xuân Chiện nâng niu đến hôm nay

Địch đưa ông Chiện về Long Bình, Biên Hòa (Đồng Nai) tra tấn. Với khí tiết của người chiến sĩ biệt động, ông Chiện kiên quyết không khai ra tổ chức, bản thân. Đến cuối năm 1969, người lính biệt động Sài Gòn Nguyễn Xuân Chiện bị đày ra Nhà tù Phú Quốc.

Sau hơn 3 năm bị giam giữ, tra tấn tại đây, ngày 27/3/1973 ông Chiện được trả tự do và được Nhà nước đưa về chăm sóc, an dưỡng tại Xóm Giữa (Tây Ninh). Đến tháng 6/1973, đơn vị cũ là Quân khu Sài Gòn – Gia Định đón ông trở lại và được điều về công tác tại Phòng Tham mưu. Tháng 10/1974, ông được kết nạp Đảng.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 4/1975, ông được Quân khu Sài Gòn – Gia Định phân công xuống cơ sở để phát triển bộ đội địa phương và du kích, tự vệ. Nhiệm vụ của đơn vị lúc đó là tăng cường huấn luyện chiến thuật đánh chiếm, chốt giữ và bảo vệ các mục tiêu ở địa bàn đô thị; triệt phá tề ngụy ác ôn, xây dựng lực lượng, tổ chức tuyên truyền vũ trang, diệt ác, phá kìm ở vùng ven thành phố.

Sáng 30/4/1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ dẫn đường cho các mũi của lực lượng bộ đội chủ lực tiến vào nội thành Sài Gòn. Ông được giao nhiệm vụ dẫn đường ở khu ngã tư bà Quẹo, sau đó là ngã tư Bảy Hiền, Biệt khu thủ đô của địch, rồi Tổng nha Cảnh sát. “Chứng kiến các lực lượng của ta tiến sâu vào Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu trong tiếng hò reo, cổ vũ của nhân dân, cảm xúc của tôi lúc đó như vỡ òa. Khi biết tin Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, chúng tôi ôm lấy nhau reo hò, vui sướng”, ông Chiện nhớ lại.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đơn vị bộ đội chủ lực rút quân, đơn vị ông Chiện tiếp tục ở lại tiếp quản Sài Gòn. Ít lâu sau, ông chuyển về công tác tại Ban Quân y, Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh; rồi cuối tháng 3/1979, được điều động tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia. Năm 1980, ông bị thương ở Campuchia và được đưa ra Bắc an dưỡng rồi xuất ngũ. Cuối năm 1980, ông Chiện công tác tại Bệnh viện huyện Cẩm Giàng (nay là Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng) rồi nghỉ hưu năm 2005.

77 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiện luôn là người đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư.

TRƯƠNG HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức của người lính biệt động Sài Gòn