46 năm trôi qua, những người lính Hải Dương từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm nào vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng.
46 năm trôi qua, giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh luôn được ông Phạm Hồng Vi trân trọng lưu giữ
Những ngày tháng không quên
Năm 1968, ông Phạm Hồng Vi ở phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) nhập ngũ vào Trung đoàn 2, Tỉnh đội Hải Hưng khi vừa tròn 18 tuổi. 2 năm sau ông được cử đi học lớp xe tăng, sau đó tiếp tục về Quân khu 3 công tác. Cuối năm 1974, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông cùng đội xe tăng của quân khu chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi cùng đơn vị giải phóng Xuân Lộc (Đồng Nai), ông được bổ sung sang Tiểu đoàn 22 miền Đông Nam Bộ, là Trung đội trưởng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 22 được giao nhiệm vụ phối hợp Sư đoàn bộ binh 7 thọc sâu đánh Sài Gòn, trong đó Đại đội 6 của ông được giao nhiệm vụ "luồn sâu, đánh thẳng". Nhận lệnh, đơn vị của ông Vi nhanh chóng hành quân từ Hố Nai sang thị xã Biên Hòa (Đồng Nai) để tiến vào Sài Gòn. Vừa đi vừa đánh địch.
Rạng sáng 30.4.1975, đơn vị ông Vi đến khu vực cầu Ghềnh thì bị địch đánh trả, xe tăng của ta không thể qua cầu, đơn vị phải dừng lại để điều chỉnh đội hình. Trước tình thế hết sức khẩn trương, đơn vị nhận được lệnh không đi theo đường 1 vào Sài Gòn nữa mà ra xa lộ để tiến thẳng đến dinh Độc Lập. "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là người trực tiếp chỉ huy trên chiếc xe tăng B548 tiến vào Sài Gòn. Quá trình tiến công, tàn quân của địch tại các căn cứ điểm ngoan cố đánh trả nên đơn vị phải chuyển hướng. Đến 12 giờ trưa 30.4.1975 đơn vị mới đến được dinh Độc Lập. Khi ấy lực lượng ta ở các mũi đã tiến vào dinh. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vang dội. Sau hơn 1 tháng ròng rã hành quân, đánh địch, anh em chiến sĩ hầu như không đêm nào được ngủ. Quần áo đỏ bụi đường nhưng chứng kiến giờ phút lịch sử ai nấy đều vui sướng", ông Vi kể.
Lật giở cuốn hồi ký "Một thời chiến trận", ký ức của ông Vũ Đình Muồn ở khu 13, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) từng là Đại đội phó Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 như đang trở về những ngày trực tiếp tham gia giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 là mũi nhọn được giao nhiệm vụ đánh cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Muồn kể lại: Sáng 30.4.1975 sau khi đến vị trí tập kết đúng quy định, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 tiến đến ngã tư Bà Quẹo thì bị máy bay địch ném bom trúng đội hình, Tiểu đoàn 4 bị thiệt hại nhiều về người và xe, Tiểu đoàn 5 của ông vượt lên đánh chiếm được ngã tư Bảy Hiền. Lúc này, Trung đoàn 24 điều lực lượng của Tiểu đoàn 5 thay thế Tiểu đoàn 4 đánh cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 10 giờ, Tiểu đoàn 5 được tăng cường thêm lực lượng tiến sâu vào trận địa, địch cũng tăng hỏa lực đánh trả. Chúng dựa vào những ngôi nhà cao tầng hai bên đường đặt hỏa lực, bắn xối xả vào đội hình của ta. Khi ông Muồn đang ngồi trên xe tăng tiến vào cổng số 5 thì phát hiện pháo của địch từ trên Bộ Tổng tham mưu xả xuống, ông may mắn thoát ra khỏi xe nhưng đồng đội của ông nhiều người bị thương và hy sinh. Lực lượng ta tiếp tục điều xe kéo pháo phòng không 37 ly vào để tiêu diệt địch. Trận đánh giằng co đến hơn 11 giờ trưa 30.4.1975 ta mới đánh chiếm được các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất. "Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt, nhiều đồng đội của tôi chiến đấu vô cùng quả cảm", ông Muồn bồi hồi nhớ lại.
Ông Vũ Đình Muồn từng trực tiếp cùng đồng đội tham gia giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất
Nguyên là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, ông Nguyễn Huy Thông ở phố Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) không thể nào quên những ngày làm nhiệm vụ trinh sát trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. "Khi đó tôi được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trinh sát nắm địa bàn dẫn đường cho xe tăng của Lữ đoàn 203 tham gia chiến dịch. Đầu tháng 4.1975, Đại đội trinh sát của tôi và một phần lực lượng của Lữ đoàn 203 được phái đi trước trinh sát, đánh địch ở cầu xa lộ Đồng Nai dẫn đầu đội hình của Quân đoàn 2 làm nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm dinh Độc Lập. Luồn sâu vào sào huyệt của địch, các tổ trinh sát phải vòng tránh qua nhiều đồn, bốt. Nhiều trinh sát vừa làm nghiệp vụ, vừa phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu...", ông Thông nói. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông nhớ nhất ngày 28.4.1975, khi trinh sát dẫn đường đánh địch đến khu vực cầu Buông (Đồng Nai), ông phát hiện trước khi rút chạy địch đã đánh sập cầu, ngăn không cho lực lượng ta qua sông vào Sài Gòn. Ngay lập tức ông báo cáo về chỉ huy Quân đoàn tăng cường lực lượng bắc cầu để kịp tiến vào Sài Gòn theo đúng kế hoạch.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
Đất nước giải phóng, ông Phạm Hồng Vi tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, tình nguyện giúp nước bạn Campuchia. Năm 1988, ông về công tác tại Tỉnh đội Hải Hưng (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh). Năm 2000 ông nghỉ hưu theo chế độ. Trở về địa phương, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động tại cơ sở, từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Hàn, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương. Cuối năm 2020 ông mới chính thức nghỉ hưu hẳn. Suốt 19 năm gắn bó với hoạt động của Hội Cựu chiến binh TP Hải Dương, ông Vi đã có nhiều đóng góp xây dựng hội trở thành điểm sáng của tỉnh.
Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Muồn tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia. Năm 1979, ông được điều động ra Bắc tham gia chiến tranh biên giới. Sau đó ông chuyển về công tác tại Quân khu 1. Năm 1992 ông nghỉ hưu và làm Tổ trưởng Tổ dân phố khu 13, phường Bình Hàn. Năm 1993 ông tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Bình Hàn, là đại biểu HĐND phường 2 nhiệm kỳ. Ở vị trí nào ông Muồn cũng luôn nêu gương, trách nhiệm với công việc, luôn xứng đáng và giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
TRƯƠNG HÀ