Ký ức chiến tranh biên giới phía Bắc

04/02/2019 15:42

Rạng sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc nổ súng đồng loạt tấn công biên giới phía Bắc nước ta.



40 năm trôi qua, ký ức về cuộc chiến khốc liệt này vẫn in đậm trong tâm trí của các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Khốc liệt

Ông Nguyễn Tuấn Sỹ ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) nhập ngũ năm 1977, khi vừa tròn 19 tuổi. Ông được bổ nhiệm làm Trung đội phó Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3. Tháng 8.1978, đơn vị ông được điều động lên huyện vùng cao Văn Lãng (Lạng Sơn) bảo vệ biên giới. Ông Sỹ nhớ lại: "Rạng sáng 17.2 (20 tháng giêng), tôi cùng mọi người choàng tỉnh khi khắp nơi có tiếng súng nổ, rồi tiếng người hô to: Nó đánh mình rồi, nó đánh mình rồi! Vậy là tất cả anh em chiến sĩ vác súng lên các điểm đồi phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu". Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, ông Sỹ thấy xe tăng của quân địch chạy trước, bò lên bắn vào các cao điểm, phía sau là lính bộ binh. Ông cùng đồng đội bắn trả bằng B40, B41, AK.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Sợi ở thôn Cõi, xã An Sơn (Nam Sách) từng là Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, ký ức về chiến tranh biên giới còn là sự tàn khốc của quân xâm lược. Ngày 17.2, đơn vị của ông nhận tin quân Trung Quốc đang chia làm nhiều mũi đồng loạt đánh vào các điểm chốt của sư đoàn. Ở hướng Cao Lộc, quân địch đã tấn công trận địa Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 5. Ông Sợi kể: “Hôm đó, sau khi nhận nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của cấp trên qua điện thoại, tôi cùng với chỉ huy đại đội triển khai phương án chiến đấu cho anh em chiến sĩ. Đại đội tôi là đại đội hỏa lực, rải ở các điểm đồi 73, 500, 800...". Đơn vị ông đã dùng hỏa lực tấn công, chặn địch ở điểm cao 800 không cho chúng vào sâu bên trong. Bị tấn công, quân địch điên cuồng bắn trả. Nhiều đồng chí bị thương và hy sinh. Lúc này, mỗi cao điểm được bố trí 1 khẩu 12 ly 7 nhưng do địch chủ yếu tấn công bằng đường bộ nên ông đã lệnh cho anh em hạ nòng súng 12 ly 7 xuống để bắn tầm thấp. Bất ngờ trước cách đánh của ta, nhiều tên địch bị tiêu diệt, số còn lại chạy tán loạn. Đại đội đã bám trụ kiên cường tại các cao điểm.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Ông Nguyễn Văn Sợi (bên trái) kể lại những ngày tham gia chiến tranh biên giới

Mặc dù cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 diễn ra ngắn nhưng mỗi trận đánh đều rất khốc liệt, cam go. Theo lời ông Sỹ, ngày 22.2, sau 5 ngày giằng co, địch tiếp tục dùng chiến thuật bắn pháo trước, sau đó đưa bộ binh lên. Ở trên cao quan sát, các đơn vị thông báo cho nhau hướng tấn công của địch để tập trung giáng trả. Gần trưa, quân địch dùng nhiều hỏa lực và bộ binh bao vây, đồng thời dùng thám báo, biệt kích để nắm tình hình và tiến lên điểm đồi nơi đặt các chốt phòng thủ của ta. 3 trong tổng số 4 điểm đồi do đại đội của ông Sỹ cắm chốt đã bị địch bao vây, anh em hy sinh nhiều, chỉ còn hướng của ông vẫn bám trụ kiên cường. Trong lúc ông đang bắn trả quyết liệt thì chiến sĩ Nguyễn Văn Đát, xã Thanh An (Thanh Hà), nhập ngũ cùng ngày và là bạn thân thiết với ông, từ điểm đồi hướng đông bị thương bò sang, trên tay vẫn cầm khẩu AK. Vừa bò, ông Đát vừa gọi: “Sỹ ơi, tao bị thương rồi”. Lúc này, ông Sỹ cũng vừa bị thương ở tay phải. Ông nhanh chóng đưa ông Đát vào hầm, vạch áo thì phát hiện bạn bị trúng đạn, xuyên phổi. Ông nói với bạn: "Chúng ta phải sống, tôi sẽ đưa anh xuống đơn vị để chữa trị". Nói rồi ông lại cầm súng bắn liên tiếp về phía địch. Nhận định tình hình nguy cấp, ông Đát nói: "Sỹ cứ đi đi, để tôi ở lại. Chắc tôi không qua được. Sỹ phải sống để trở về. Đã là người lính chúng ta không ngại hy sinh". Ông ra cửa hầm, nhìn xuống dưới, địch đã kéo gần đến đỉnh đồi. Ông nói với ông Đát: "Anh yên tâm, tôi sẽ quay lại đón anh". Rồi ông ôm súng chạy ra ngoài bắn trả nhưng quân địch quá đông buộc ông phải lao xuống chân đồi. Kể đến đây, ông Sỹ không kìm được xúc động. "Tôi đã không đưa được anh Đát về đơn vị để cứu chữa, anh Đát đã hy sinh trong trận đó", ông nghẹn ngào nói.

Ông Nguyễn Văn Sợi nhớ nhất khoảnh khắc trận chiến quyết liệt trên điểm đồi 800 giữa ta và địch vào ngày 17.2. "Tôi nhớ như in lúc đang đánh địch, một chiến sĩ trong đại đội của tôi quê ở Bắc Giang bị bắn gục ngay trước mặt. Ánh mắt anh nhìn tôi như nhắn gửi điều gì đó, càng khiến tôi có thêm ý chí không khuất phục trước kẻ thù", ông Sợi kể.

40 năm trôi qua, không chỉ mỗi cựu chiến binh năm xưa mà mỗi thế hệ người dân Việt Nam đều nhớ và biết ơn những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh thân mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

HÀ VY

Rạng sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc nổ súng mở màn cho cuộc chiến kéo dài 30 ngày dọc biên giới Việt - Trung, trên địa bàn 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Nhưng thực tế cuộc chiến đó còn kéo dài suốt 10 năm sau.

(0) Bình luận
Ký ức chiến tranh biên giới phía Bắc