Dortmund đã mạo hiểm với cầu thủ 17 tuổi Jude Bellingham. Tuy nhiên, đó là canh bạc mà CLB nước Đức tự tin nắm phần thắng nhiều hơn thua.
Số tiền 25 triệu bảng (chưa đi kèm điều khoản phụ) mà Dortmund bỏ ra để mua Bellingham là mức giá có phần điên rồ trong thời buổi nhiều CLB bóng đá khủng hoảng tài chính như hiện tại.
Bellingham năm nay mới 17 tuổi, chơi được tổng cộng 44 trận cho đội một Birmingham City, câu lạc bộ (CLB) những năm gần đây luôn chật vật với cuộc chiến trụ hạng Championship (giải hạng nhất Anh).
Ngay cả trong thời điểm bão giá khi PSG bỏ ra tới 222 triệu euro rước Neymar về từ Barca 3 năm trước, việc một đội bóng nào đó chi 27 triệu euro cho cầu thủ 17 tuổi mới chân ướt chân ráo thi đấu chuyên nghiệp vẫn bị cho là liều lĩnh.
Kỳ lạ hơn nữa người vung tiền là Dortmund, đội bóng chi tiêu tài chính vào loại cần kiệm nhất trong số các ông lớn châu Âu.
Canh bạc của Dortmund
Người ta đã nói nhiều về sự điên rồ của thị trường chuyển nhượng bóng đá châu Âu trong những năm gần đây. Mùa hè 2019, Joao Felix được Atletico mua về từ Benfica với giá 126 triệu euro, trở thành cầu thủ tuổi teen đắt giá thứ hai trong lịch sử (sau Kylian Mbappe).
Tuy nhiên, Felix khi đó đã 19 tuổi, chơi cho một trong những CLB lớn nhất Bồ Đào Nha, ghi hat-trick ở Europa League, khoác áo tuyển Bồ Đào Nha và được đề cử vào danh sách bầu Quả bóng vàng châu Âu cuối năm.
Bellingham, cầu thủ 17 tuổi của nước Anh, mới có mùa giải chơi cho đội một Birmingham. Cho dù thần đồng này đã phá những kỷ lục kiểu như cầu thủ trẻ nhất chơi cho đội một (16 tuổi và 38 ngày) và gây ấn tượng cực lớn, thì việc Dortmund chi 25 triệu bảng cho tài năng trẻ này vẫn là một thương vụ khó tin.
Nhiều CLB bóng đá đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính vì dịch bệnh. Nói như lời Phó chủ tịch MU Ed Woodward hồi tháng 5 thì “sẽ là hoang đường nếu bất kỳ CLB nào mua ai đó giá 100 triệu bảng”.
Vậy mà Dortmund dám bỏ ra 25 triệu bảng để biến Bellingham trở thành cầu thủ 17 tuổi đắt nhất lịch sử bóng đá thế giới. CLB nước Đức đang toan tính điều gì?
Phải chăng, Dortmund đẩy sự điên rồ của thị trường chuyển nhượng bóng đá lên tầm cao mới?
Bellingham chỉ mới có mùa giải thi đấu chuyên nghiệp trong đời. Ảnh: Dortmund |
Giám đốc Kỹ thuật Dortmund Michael Zorc khẳng định CLB vùng Ruhr mua Bellingham bởi cầu thủ này có tiềm năng “khổng lồ”.
25 triệu bảng với Dortmund là số tiền lớn, và họ đã cân nhắc nhiều hơn thường lệ khi xuống tiền mua cầu thủ 17 tuổi người Anh.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới cảnh suýt vỡ nợ vào đầu thập niên 2000, Dortmund chuyển đổi mô hình quản trị từ vung tiền bạt mạng, nổ bom tấn cầu thủ sang chính sách mua và đào tạo tài năng trẻ - sau đó đem bán kiếm lời.
Năng lực tài chính của Dortmund không đủ để họ giữ chân các ngôi sao bước vào giai đoạn đỉnh cao. Các trường hợp ra đi của Goetze, Lewandowski, Guendogan, Hummels những năm vừa qua là minh chứng.
Điều này dẫn tới viễn cảnh Dortmund mua Bellingham về với giá cao để sau này bán với giá còn cao hơn nhằm kiếm lời.
Trong kinh tế học có một nguyên tắc cơ bản: đó là lợi nhuận càng cao, chi phí rủi ro càng lớn và ngược lại.
Năm 2017, Dortmund mua Jadon Sancho từ Man City với khoản phí ban đầu 8 triệu bảng. Sau 3 năm, giá cầu thủ người Anh đã tăng hơn 12 lần. Nhiều tháng qua, truyền thông châu Âu tin rằng Dortmund chỉ bán Sancho với giá trên 100 triệu bảng.
Món hời to trước mắt từ vụ Sancho chắc chắn đã tiếp thêm tự tin cho Dortmund trong vụ Bellingham.
Đội bóng nước Đức nhìn thấy quá nhiều màu hồng trong tương lai của Bellingham, người có thể dễ dàng đi theo bước của Sancho trong vài năm tới, với những mức phí lên tới cả trăm triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng.
Và Dortmund sẽ không cược canh bạc lớn như thế, nếu Bellingham không phải người Anh.
Điều này cũng giống với việc, Sancho sẽ không thể có giá lên đến gần trăm triệu bảng như hiện tại nếu anh không phải cầu thủ xứ sương mù.
Năm 2017, Sancho chỉ có giá 8 triệu bảng. Giờ thì cầu thủ được đinh giá cả trăm triệu bảng. Ảnh: Getty |
Kỹ nghệ thổi giá cầu thủ Anh
Trong thương vụ Bellingham, Birmingham đã áp dụng chiến thuật kinh điển mà CLB xứ sương mù thường áp dụng trong chuyển nhượng, đó là chào mời các cầu thủ bản địa với những CLB nước Anh khác.
Manchester United tưởng như có lúc tiến gần đến việc có chữ ký của Bellingham, nhưng mức giá 25 triệu bảng Birmingham đưa ra khiến họ lưỡng lự. Nửa đỏ thành Manchester không dám chi quá nhiều tiền cho một cầu thủ mà họ không thể đảm bảo suất đá chính.
Man City sau đó cũng vào cuộc, và sự có mặt của hai CLB hàng đầu nước Anh khiến Dortmund phải chi nhiều tiền hơn thường lệ.
Truyền thông Anh cũng góp phần không nhỏ vào việc “thổi giá” cầu thủ. Nước Anh vẫn nổi tiếng với việc "bơm thổi" các tài năng trẻ của mình lên mây, và trường hợp Bellingham cũng không phải là ngoại lệ.
Từ một năm trước, những đầu báo hàng đầu xứ sương mù bắt đầu gọi Bellingham là một trong những cầu thủ "trăm năm có một" của bóng đá nước này. "Bellingham là hiện tượng khó tin", The Sun giật tít vào tháng 7/2019.
LĐBĐ Anh (FA) cũng góp phần không nhỏ vào việc khiến giá các cầu thủ bản địa trở nên đắt đỏ hơn, với luật “cây nhà lá vườn” (home-grown) được áp dụng từ mùa giải 2010/11.
Theo luật của FA, mỗi đội bóng phải có ít nhất 8 cầu thủ thuộc dạng “home-grown” trong danh sách đăng ký thi đấu.
Cầu thủ dạng home-grown là những người (không phân biệt quốc tịch) đã thuộc biên chế của bất kỳ đội bóng nào đang thi đấu trong hệ thống giải đấu của Liên đoàn bóng đá Anh (hoặc xứ Wales) trong thời gian tối thiểu 3 mùa bóng (hoặc 36 tháng).
Chính sách này có tác động mạnh đến công tác mua sắm của nhiều đội bóng tại Premier League thập niên qua.
Số các cầu thủ ngoại quốc được đào tạo lâu dài tại Anh để đáp ứng home-grown là không nhiều, nhất là trong bối cảnh FIFA càng ngày càng siết chặt việc mua bán cầu thủ vị thành niên của các CLB.
Vì thế, thông thường chỉ các cầu thủ người Anh hoặc xứ Wales dễ dàng đáp ứng được tiêu chí kể trên.
Hai đội bóng thành Manchester từng ráo riết tiếp cận Bellingham. Guardian tiết lộ MU thậm chí theo dõi cầu thủ từ khi mới 13 tuổi. Tuy nhiên, khi Bellingham bắt đầu gây chú ý và được quy hoạch lên đội một vào năm 2019, đội bóng chủ quản Birmingham đã biết họ có thể nhận món hời lớn từ tài năng trẻ do mình đào tạo.
"Sancho đã tăng giá từ 8 triệu bảng lên hơn 100 triệu bảng sau 3 năm. Đó là lý do Birmingham đặt ra mức giá điên rồ khiến Dortmund phải chịu chi", nhà báo Rob Harris của AP phân tích.
Thị trường chuyển nhượng bóng đá cũng vận hành theo các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường. Giá thị trường của các cầu thủ người Anh lạm phát liên tục trong thập niên qua và không có dấu hiệu dừng lại ngay cả khi dịch bệnh.
"Từ những gì tôi quan sát từ thị trường chuyển nhượng, Dortmund có sự tự tin lớn rằng họ sẽ bán được Sancho với giá từ 100 triệu bảng trở lên", cây viết Copper của Birmingham Mail phân tích.
Một thập niên qua cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng tài năng trẻ của bóng đá Anh, vì vậy mỗi cầu thủ giỏi của xứ sương mù luôn được đặt kỳ vọng cực lớn. Giá chuyển nhượng của họ vì thế cũng cao hơn bình thường.
Những cầu thủ người Anh luôn có giá cao so với mặt bằng chung của bóng đá thế giới. Ảnh: Getty |
Lịch sử "mua đắt" của bóng đá Anh
Các CLB Anh có truyền thống trả nhiều tiền cho các cầu thủ bản địa. Thương vụ chuyển nhượng cầu thủ đầu tiên được FIFA ghi nhận diễn ra ở chính nước Anh khi Willie Groves đến Aston Villa từ West Brom với giá 100 bảng.
Kể từ đó đến thập niên 50 của thế kỷ trước, các thương vụ chuyển nhượng đình đám hầu hết diễn ra ở Anh.
Sau khi Premier League vươn mình trở thành giải VĐQG đem lại lợi nhuận lớn nhất thế giới. Như quy luật tất yếu, Premier League cũng là giải đấu “chịu chơi” nhất.
Từ năm 2004, Sir Alex Ferguson trả tới 25,6 triệu bảng cho cầu thủ 18 tuổi Wayne Rooney. Trước đó một năm, MU cũng mua Rio Ferdinand với giá 30 triệu bảng.
Để so sánh, kỷ lục chuyển nhượng của thế giới thời điểm đó là Zinedine Zidane (đang ở đỉnh cao phong độ) đến Real với giá 45 triệu bảng.
Người Anh luôn có tiếng là bảo thủ và coi trọng các giá trị truyền thống, vì vậy việc họ ưu ái và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các cầu thủ bản địa.
Trong cùng kỳ chuyển nhượng, Man City từng trả 37 triệu bảng để mua Sergio Aguero, trong khi Liverpool trả 35 triệu bảng để mua Andy Carroll. Harry Maguire có giá 80 triệu bảng, trong khi Virgil van Dijk có giá 75 triệu bảng.
Và sau những gì cả hai trung vệ này đã thể hiện, các CĐV đều có thể tự rút ra so sánh giá cả của riêng mình.
Dortmund có thể mua đắt trong thương vụ Bellingham. Tuy nhiên, CLB Bundesliga tin trong vài năm tới, họ có thể thu được khoản tiền cực lớn từ chính các đội bóng Anh. Họ sẵn sàng lao vào cuộc "thổi giá" cho chính các cầu thủ xứ sương mù.
Điều này giống như cái cách MU chưa bao giờ từ bỏ ý định mua Sancho dù Dortmund đã hét giá cả trăm triệu bảng trong mấy tháng qua. Ban lãnh đạo CLB Signa Iduna Park hiểu rằng trong kinh doanh, họ không thể có lợi nhuận cao nếu không sẵn sàng bỏ ra vốn lớn.
Theo Zing