Thay vì hoảng hốt, sợ hãi, phụ huynh hãy trang bị cho con sự bình tĩnh và các kiến thức cần thiết để kêu cứu hoặc thoát ra ngoài.
Vụ việc một học sinh tiểu học ở Hà Nội tử vong vì nghi bị giáo viên bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường đang khiến dư luận xôn xao.
Không ít phụ huynh, đặc biệt là cha mẹ có trẻ đang đến trường hàng ngày bằng school bus (phương tiện xe buýt) không khỏi lo lắng, hoang mang.
Theo cảnh báo của Cục Quản lý An toàn Giao thông quốc gia Hoa Kỳ, nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ có thể nóng hơn 30°C so với bên ngoài xe. Điều đó có nghĩa là vào một ngày 30°C, nhiệt độ bên trong xe có thể đạt tới hơn 60°C. Khi nhiệt độ bên trong cơ thể của một đứa trẻ vượt quá 41.6°C, chúng có thể bị tử vong.
Bên cạnh việc trang bị cho trẻ những kĩ năng an toàn khi đi xe ô tô, một việc quan trọng không kém là bố mẹ nên dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm sau trong tình huống xấu đó là bị bỏ quên một mình trên xe buýt, trên ô tô cá nhân
Vì vậy việc dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm trong tình huống bị bỏ quên một mình trên xe là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp rơi vào tình huống này, bạn nên hướng dẫn bé các kĩ năng sau:
1. Giữ bình tĩnh
Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra. Vì vậy nếu không may rơi vào trường hợp bị kẹt trong ô tô, phụ huynh nên khuyên trẻ cần bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho người xung quanh về tình trạng của mình.
2. Thử mở các cửa ô tô
Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa chính và cửa sổ của xe xem có được không. Biết đâu may mắn có một cánh cửa xe chưa được đóng kín hoàn toàn thì cơ hội thoát thân cho trẻ đơn giản hơn nhiều.
3. Liên tục bấm còi vô lăng xe
Có một sự thật ít người biết rằng còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động. Khi bỏ rơi trên xe ô tô, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
Trên thế giới, tình trạng để quên trẻ em trên xe là thảm kịch đáng báo động. Ảnh minh họa
4. Liên lạc với mọi người ở bên ngoài
Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố xảy ra là bị nhốt trong xe ô tô một mình.
5. Đập mạnh vào cửa
Với trẻ nhỏ không có điện thoại cá nhân hoặc đồng hồ định vị, việc trẻ cần làm lúc này là dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu.
Nếu có giấy, bút và thấy người ở gần, hãy làm một dấu hiệu kêu gọi sự trợ giúp.
6. Tìm cách phá kính ô tô
Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể tự mở cửa xe hay kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ có thể tìm các dụng cụ phá kính ô tô trong xe. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra.
Bạn nên làm gì nếu nhìn thấy đứa trẻ ở một mình trong chiếc xe hơi đóng cửa và tắt máy?
- Ngay lập tức gọi cho 115, trung tâm sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý tình huống đúng nhất và lập tức điều động xe cứu thương khi cần thiết.
- Nếu trẻ không phản ứng hoặc bị thương, ngay lập tức đưa trẻ ra khỏi xe bằng bất kỳ cách nào và chuyển chúng nơi mát mẻ và thoáng đãng hơn.
- Cởi bỏ quần áo của trẻ để hơi nóng tỏa ra, đồng thời sử dụng nước mát hoặc giẻ ướt để làm ẩm cho trẻ.
- Nếu đứa trẻ không phản ứng, hãy ở lại bên cạnh chúng cho đến khi có sự giúp đỡ và hỏi ai đó nếu họ có thể xác định vị trí người lái xe.
Theo Giadinh.net