Xã hội

Kỹ năng sinh tồn khi rơi xuống vùng nước sâu

T.H (Theo báo Tin tức) 11/09/2024 17:37

Khi bất ngờ bị rơi xuống những vùng nước sâu, mọi người cần những kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân.

Kỹ năng sinh tồn ở vùng nước sâu

Khi người rơi xuống vùng nước sâu

Anh Vũ Ngọc Chiến, 33 tuổi, giáo viên dạy bơi với hơn 10 năm kinh nghiệm, chủ kênh youtube dạy bơi nhiều lượt theo dõi (hơn 122.000 người đăng ký) cho biết, trong những ngày qua, thông tin vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) khiến anh rất đau xót.

Chú thích ảnh
Thầy giáo Vũ Ngọc Chiến, giáo viên dạy bơi với hơn 10 năm kinh nghiệm

Là một giáo viên dạy bơi, thường xuyên chia sẻ những video dạy bơi trên mạng xã hội, anh thấy cẩn phải sản xuất một video chia sẻ kỹ năng cho mọi người sau vụ sập cầu đó. Anh Vũ Ngọc Chiến nhanh chóng thực hiện một video với chủ đề “Kỹ năng sinh tồn ở vùng nước sâu” và đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội, giúp mọi người có thêm kiến thức, kỹ năng sinh tồn khi không may gặp những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Anh Vũ Ngọc Chiến nhấn mạnh: “Khi không may rơi vào vùng nước sâu, chẳng hạn như vụ sập cầu tại Phú Thọ, việc đầu tiên là phải bình tĩnh, cố gắng không hoảng loạn, nhanh chóng bỏ tất cả những đồ đạc như túi xách, ba lô nặng… khỏi người. Khi rơi xuống nước, phải nín thở, giữ hơi ngay lập tức và đợi vài giây, cơ thể sẽ từ từ nổi lên trên mặt nước. Tiếp theo, cần tìm những vật nổi như cây chuối, thùng xốp, hoặc là bãi rác nổi… (ưu tiên những thứ ở gần nhất) và bám nổi trên những vật này. Đặc biệt chú ý, không được bơi ngược dòng, phải bơi xuôi dòng và từ từ tiến vào bờ, hoặc cố gắng vỗ tay… để được người khác quan sát, phát hiện và giúp đỡ”, thầy Vũ Ngọc Chiến chia sẻ.

Một số kỹ năng sinh tồn ở vùng nước sâu do anh Vũ Ngọc Chiến chia sẻ (Ảnh chụp màn hình):

Chú thích ảnh
Khi cơ thể rơi xuống nước, chúng ta nín thở, giữ hơi ngay lập tức và đợi vài giây, cơ thể sẽ từ từ nổi lên trên mặt nước
Chú thích ảnh
Chú ý, khi rơi xuống nước, không vùng vẫy, đạp nước xung quanh…
Chú thích ảnh
…. đặc biệt, không được thở ra, bởi khi đó cơ thể sẽ chìm xuống sâu hơn, nguy hiểm đến tính mạng
Chú thích ảnh
Sau khi đã nổi trên mặt nước, chúng ta ngoi phần đầu khỏi mặt nước, mở miệng hít nhiều hơi…
Chú thích ảnh
...và khi bị chìm xuống tiếp tục nín thở, giữ hơi
Chú thích ảnh
Khi cảm thấy đuối sức, chúng ta có thể nằm ngửa thả lỏng, nhưng phải đưa miệng và mũi lên khỏi mặt nước để hít thở…

Anh Vũ Ngọc Chiến cũng đưa ra lời khuyên: “Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, hàng năm có nhiều trận bão lũ lớn, nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân, mọi người nên biết bơi, nắm được kỹ năng bơi lội cơ bản. Đối với các em học sinh, phụ huynh có thể trang bị cặp sách dạng phao balo, vừa là phao vừa là balo để các em có thể đựng sách, cũng như vật cứu sinh trong trường hợp khẩn cấp xảy ra. Ví dụ, không may bị rơi xuống nước, các em có thể ôm chiếc ba lô và nổi trên mặt nước. Đồng thời, mỗi người nên trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn khi không may rơi xuống vùng nước sâu”.

Chú thích ảnh
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) năm 2023

Mặt khác, mặc dù nhiều người biết bơi, nhưng vẫn sợ hồ sâu, vùng nước sâu do vấn đề tâm lý. Anh Vũ Ngọc Chiến khuyên mọi người nên ra hồ bơi để tập luyện cho những trường hợp khẩn cấp xảy ra cũng như thực nghiệm các kiến thức, những phương pháp giải quyết vấn đề tâm lý sợ nước. Anh Vũ Ngọc Chiến cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức này trên kênh youtube ‘Thầy Chiến dạy bơi’, để mọi người có thể xem và trang bị cho bản thân những kiến thức phòng tránh tai nạn vùng sông nước.

Ô tô bị lao xuống vùng nước sâu

Khi điều khiển ô tô không may bị rơi xuống vùng nước sâu, nếu người đang ở trong các phương tiện tai nạn không kịp xử lý, hoặc không có các thao tác đúng thì có thể họ sẽ gặp nguy hiểm tính mạng. Do đó, việc nắm vững những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm hay sinh tồn dưới vùng nước sâu là điều rất cần thiết và quan trọng.

Trước câu hỏi: “Trong trường hợp điều khiển ô tô không may mà bị lao xuống vùng nước sâu thì cần có những kỹ năng gì để thoát nạn?” Cổng Thông tin điện tử (CTTĐT) Bộ Công an đã đưa ra những thao tác cơ bản và lưu ý như:

Chú thích ảnh
Sự cố rơi xuống vùng nước sâu, người và xe ô tô dần chìm xuống nước

Khi xe đang lao xuống nước, mọi người hãy cố bình tĩnh, sử dụng hai tay ôm chặt hai vai, đầu cúi xuống, hơi co tròn cơ thể nhằm hạn chế tối đa chấn thương do va đập khi xe va chạm với mặt nước (nếu là lái xe thì ôm chặt vô lăng). Sau khi xe ổn định thì nhanh chóng bấm khóa (lẫy) tháo dây an toàn.

Chú thích ảnh
Khi xe trong trạng thái ổn định, nhanh chóng tháo dây an toàn

Sau khi lao xuống nước, thường xe không bị chìm ngay (chỉ chìm sau khoảng thời gian từ 30 giây - 2 phút). Đồng thời, hệ thống điện có thể đảm bảo cho một số bộ phận trên xe hoạt động trong khoảng 2-3 phút.

Trong thời điểm này, mọi người trong xe cần nhanh chóng bấm nút hạ cửa kính (do hệ thống điện trong các xe vẫn có thể đảm bảo cho kính hạ xuống) hoặc sử dụng tay quay hạ cửa kính; khi cửa kính đã được mở, mọi người trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài khi cửa đã mở và bơi vào bờ.

Chú thích ảnh
Nhanh chóng thoát ra ngoài khi cửa đã mở

Tuy nhiên cần lưu ý, khi ô tô mới lao xuống nước, mọi người không nên cố mở cửa xe, vì lúc này rất khó mở do áp lực nước từ ngoài tác động lên cánh cửa xe rất lớn. Mặt khác, nếu mở được cửa xe thì nước sẽ tràn vào nhanh hơn, dẫn đến xe sẽ chìm nhanh, khi đó cơ hội thoát nạn cho những người còn lại trong xe sẽ ít đi.

Chú thích ảnh
Khi cửa kính không mở bình thường được, dùng dụng cụ phá vỡ cửa kính để thoát ra ngoài

Trong trường hợp các cửa kính bị kẹt và không thể hạ xuống được thì hãy bằng mọi cách phá vỡ cửa kính nếu có thể (dùng búa phá kính, sử dụng giày gót nhọn, tuốc-nơ-vít, hoặc đạp bằng chân…).

Lưu ý, khi phá cửa kính nên tác động vào một điểm ở góc cửa thì kính sẽ dễ bị phá hơn. Không nên phá kính chắn gió phía trước xe vì đây là loại kính có cấu tạo rất chắc chắn nên rất khó phá, đồng thời khi cửa kính này bị phá, nước sẽ tràn vào mạnh hơn và làm xe chìm nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Lựa chọn thời điểm thích hợp mở cửa xe để thoát ra ngoài

Trong trường hợp xe chìm nhanh, người trong xe không thể hạ được cửa kính thì thật bình tĩnh và đợi cho đến khi nước tràn vào trong khoang xe và ngập đến ngang ngực người ngồi (trong khoảng thời gian chờ đợi hãy cởi bỏ những vật nặng, quần áo nặng, giầy dép…). Khi đó, áp lực phía trong xe và bên ngoài đã khá cân bằng, lúc này mọi người hãy mở cửa xe phía gần nhất và thoát ra ngoài

Nếu trong xe có trẻ nhỏ, hãy trấn an tinh thần của bé để bé không khóc hoặc la hét, khi nước ngập đến ngực, chúng ta hãy nói với bé cùng hít sâu, ngậm miệng và nín thở (có thể dùng hai ngón tay bóp vào cánh mũi của trẻ em). Ngay sau đó, chúng ta mở cánh cửa xe và đưa bé thoát ra ngoài rồi ngoi lên mặt nước.

Khi ngoi lên mặt nước, chúng ta hãy bằng mọi cách kêu cứu, ra ký hiệu để mọi người đến hỗ trợ. Nếu chúng ta biết bơi thì chủ động giúp đỡ những người khác không biết bơi để cùng vào bờ an toàn.

T.H (Theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Kỹ năng sinh tồn khi rơi xuống vùng nước sâu