Khi mùa mưa bão đến, người lái ô tô thường phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất, đó là di chuyển qua các vùng ngập nước.
Tình trạng ngập lụt không chỉ xảy ra ở những vùng nông thôn trũng thấp, mà ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn, kể cả những khu vực ven biển. Nguyên nhân được cho là đến từ hệ thống thoát nước kém hiệu quả và vấn đề bê tông hóa ngày càng gia tăng, khiến nước không thể thoát nhanh khi xảy ra mưa lớn.
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi đối mặt với một vùng ngập nước là phải hiểu rõ tình hình trước khi quyết định đi qua. Hãy tự hỏi mình: nước ở đây sâu bao nhiêu? Có phương án nào khác an toàn hơn không? Đôi khi, lựa chọn tốt nhất lại chính là không đi qua vùng ngập nước. Việc đánh giá chính xác độ sâu của nước là yếu tố rất quan trọng. Nếu nước ngập sâu quá mức nửa bánh xe, chạm đến lưới tản nhiệt, thì tốt nhất bạn nên tìm một lộ trình khác hoặc kiên nhẫn chờ cho nước rút.
Nếu nước ngập quá sâu, nó có thể gây ra hiện tượng "thủy kích" cho động cơ, khi nước bị hút vào buồng đốt thông qua ống hút gió. Điều này có thể gây hư hại nghiêm trọng cho động cơ, khiến xe không thể khởi động lại hoặc thậm chí phải thay thế hạ máy đại tu sửa chữa. Hơn nữa, nước có thể làm hỏng hệ thống điện, bao gồm cả các cảm biến và bảng mạch điều khiển, dẫn đến việc sửa chữa vô cùng phức tạp và tốn kém.
Sau khi đã xác định được độ sâu của nước và quyết định tiếp tục di chuyển, bước tiếp theo là thực hiện các kỹ thuật lái xe đúng cách. Một trong những nguyên tắc cơ bản là giữ cho tốc độ di chuyển chậm và đều. Điều này giúp ngăn nước không bắn lên và không tràn vào các bộ phận quan trọng của xe.
Khi lái xe qua vùng ngập nước, việc duy trì vòng tua máy cao cũng là việc cần thiết. Hãy thực hiện, bằng cách giữ cho động cơ luôn luôn hoạt động ở vòng tua cao, bạn sẽ giảm nguy cơ nước tràn vào ống xả, đồng thời giúp xe tiếp tục vận hành ổn định.
Trước khi đi qua vùng ngập, nếu là xe số sàn bạn nên nhớ chuyển về các cấp số thấp (số 1 hoặc số 2). Việc này không chỉ giúp chúng ta kiểm soát xe tốt hơn, mà còn giúp xe duy trì sức kéo mạnh mẽ.
Nếu bạn lái xe số tự động, chúng ta nên chuyển sang chế độ số tay để kiểm soát số một cách linh hoạt hơn. Khi di chuyển qua vùng ngập, không nên thay đổi tốc độ đột ngột hoặc phanh gấp. Những hành động này có thể làm mất kiểm soát xe, hoặc làm nước tràn vào họng hút gió động cơ và hệ thống điện.
Chú ý, bạn nên tạo khoảng cách an toàn với các phương tiện đi đằng trước và phương tiện đi đối diện. Bởi nước bắn lên từ xe khác có thể làm giảm tầm nhìn, đồng thời tạo ra những đợt sóng nước có thể tràn vào họng hút gió động cơ. Vì vậy, hãy giữ một khoảng cách đủ lớn để bảo đảm bạn có thể quan sát và điều chỉnh tốc độ khi cần thiết.
Lái xe qua vùng ngập có thể ảnh hưởng đến hệ thống phanh và các bộ phận khác của xe. Do đó, việc kiểm tra và bảo dưỡng ngay sau đó là cực kỳ quan trọng.
Đầu tiên, bạn nên kiểm tra hệ thống phanh. Hãy thử nhấn phanh nhẹ nhàng vài lần để làm khô đĩa phanh và đảm bảo phanh hoạt động bình thường. Nếu cảm thấy phanh không còn nhạy như trước, bạn nên đưa xe đến xưởng để kiểm tra và khắc phục ngay lập tức.
Thứ hai, hãy kiểm tra động cơ và các bộ phận liên quan. Nước có thể thấm vào dầu nhớt, làm giảm chất lượng dầu và gây hại cho động cơ. Nếu bạn thấy dầu nhớt có màu khác lạ hoặc dấu hiệu của nước, hãy thay dầu ngay. Bên cạnh đó, kiểm tra hộp lọc gió và bảo đảm rằng không có nước lọt vào. Lọc gió bị ướt có thể làm động cơ hoạt động không ổn định hoặc thậm chí gây hỏng hóc.
Lái xe qua vùng ngập nước trong mùa mưa bão không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn là sự tinh tế trong việc đưa ra quyết định đúng đắn. Hiểu rõ về tình trạng xe, tình hình giao thông và các kỹ thuật lái xe an toàn sẽ giúp bạn tự tin hơn, khi đối mặt với những thách thức đến từ thời tiết khắc nghiệt. Hãy nhớ rằng, đôi khi việc chọn cách tránh xa vùng ngập nước là lựa chọn thông minh nhất, vì nó không chỉ bảo vệ bạn mà còn bảo vệ chiếc xe yêu quý khỏi những hư hỏng không mong muốn.