Khi xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều việc phải làm, mà trước nhất cần tập trung giải quyết những hiện tượng phi văn hóa rất cụ thể đang diễn ra hằng ngày.
Nhiều tuyến đường, khu phố của TP Hải Dương được chỉnh trang, cải tạo
Trong câu chuyện với chúng tôi mới đây về quyết tâm xây dựng văn minh đô thị, đồng chí Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương chia sẻ: “Quan trọng nhất để thực hiện được văn minh đô thị đó là mọi công dân phải thượng tôn pháp luật”.
Điều đáng suy nghĩ trong chia sẻ của đồng chí Lê Đình Long: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc làm mà có khi bị coi là “rất vớ vẩn”, đó là chấn chỉnh, thống nhất từ các bảng biểu như cải tạo và thay thế biển tên đường phố, thống nhất trong đánh số nhà, cải tạo, lắp đặt, chỉnh trang biển báo giao thông... đến tuyên truyền, yêu cầu người dân đổ rác đúng nơi quy định, đúng giờ quy định... Từ những công việc khởi nguồn này làm hiệu quả, được dư luận và nhân dân rất đồng tình, thành phố đã thực hiện các bước tiếp theo đó là chỉnh trang tổng thể đô thị, lập lại trật tự kỷ cương đô thị, chú trọng xây dựng văn hóa đô thị và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Sự phát triển nhanh đi kèm quá trình đô thị hóa mạnh là bước đi tất yếu trong công cuộc xây dựng đất nước. Dù vậy, phải thừa nhận một thực tế, nếp sống văn minh đô thị lại chưa theo kịp quá trình đô thị hóa này. Rất dễ dàng bắt gặp tình trạng bị coi là “kéo lùi” sự phát triển của văn minh đô thị như hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan, vứt, đổ rác bừa bãi, vi phạm trật tự giao thông, chen lấn, xô đẩy, vi phạm trật tự nơi công cộng... đến thực trạng đáng lo ngại hơn là sự chia rẽ, mất đoàn kết cộng đồng. Đó là sự phát triển đối nghịch.
Trong suy nghĩ của nhiều người, cái được xem là “rất vớ vẩn” như cách nói hình ảnh của lãnh đạo TP Hải Dương thực ra lại đang là vấn đề gây nhiều bức xúc. Khi xây dựng nếp sống văn minh đô thị có nhiều việc phải làm, mà trước nhất cần tập trung giải quyết những hiện tượng phi văn hóa rất cụ thể đang diễn ra hằng ngày. Một điều dường như ngược quy luật đó là, xã hội càng khá giả lên, con người ta càng quan tâm, chăm lo tới bộ mặt và không gian trong ngôi nhà của mình nhưng khi ra phố, ra đường, nơi công cộng con người ta có phần tùy tiện, vô tổ chức hơn. Những hành động, việc làm phi văn hóa nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen, ăn sâu thành nếp sống. Ngược lại, nếu làm tốt từ những điều tưởng chừng như nhỏ bé, không lớn lao đó lại là việc lớn. Đó cũng chính là những biểu hiện rõ ràng của việc tự giác chấp hành các nội quy, quy định của khu phố, địa bàn nơi mình sinh sống, rộng hơn nữa là luật pháp của quốc gia.
Để chấn chỉnh, xây dựng văn minh đô thị thì cùng với tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn không thể thiếu hình thức “cầm tay chỉ việc”. Không chỉ cơ quan chức năng, mà trực tiếp là các tổ công tác, người đứng đầu của khu phố, địa bàn dân cư phải tích cực “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, kêu gọi sự hưởng ứng của nhân dân; phát động nó thành những phong trào thi đua tốt. Những quy định cụ thể có sức thuyết phục của công tác quản lý sẽ đưa mọi hoạt động của phố phường đi vào kỷ cương, nền nếp; từ đó làm chuyển biến nhận thức của mọi người dân trong xây dựng nếp sống văn minh. Tất nhiên, để mọi người dân tự giác, có ý thức chấp hành tốt kỷ cương đô thị thì không thể thiếu những biện pháp xử lý, thậm chí cần áp dụng cả những chế tài nghiêm khắc.
Nếp sống văn minh đô thị sẽ tạo nên môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị. Trên thực tế, chúng ta đã có rất nhiều quy định, văn bản pháp luật về văn hóa, văn minh đô thị. Cái còn thiếu chính là ý thức của công dân và quá trình thực thi, thực hiện văn minh đô thị của cơ quan chức năng còn hạn chế. Xây dựng văn minh đô thị là một quá trình vừa cấp bách, vừa lâu dài để tạo nên lối sống đẹp với tác phong, cốt cách văn minh của con người mới xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN TUẤN