Giá một bộ kit xét nghiệm COVID-19 đang đắt gấp đôi, gấp 3 lần giá thực tế. Điều này đang gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thị trường kit xét nghiệm bất ổn, trách nhiệm thuộc về ai?
Đại dịch COVID-19 đã khiến bao doanh nghiệp, người dân lao đao thậm chí phá sản, rơi vào nghèo đói. Thế nhưng, cũng dễ thấy đây lại là cơ hội làm ăn, thậm chí là kiếm ăn của rất nhiều kẻ khác trên sự khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
Câu chuyện kit xét nghiệm những ngày qua cho thấy rõ, đây là một thương vụ kinh doanh siêu lợi nhuận. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 từng chia sẻ: “Chi phí xét nghiệm toàn bộ cho công nhân của May 10 trước đây mỗi lần là 1,3 tỷ, giờ giá một kít thử còn 100.000 đồng thì cũng là 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này so với vaccine thì tiền vaccine ít hơn rất nhiều”.
Nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm muốn đóng cửa vì các chi phí cho xét nghiệm COVID-19 quá lớn, làm không lãi, nhưng vì uy tín với khách hàng, vì cuộc sống của người lao động mà họ vẫn cắn răng vận hành guồng máy sản xuất kinh doanh. Đã có những chủ doanh nghiệp cay đắng chia sẻ: Lãi lời cũng chỉ đủ để trang trải cho xét nghiệm COVID-19!
Hồi giữa tháng 9.2021, 14 hiệp hội doanh nghiệp gửi kiến nghị Thủ tướng đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Thế nhưng đến giờ này, các DN vẫn kêu một “bài” cũ “chi phí xét nghiệm COVID-19 quá cao”.
Trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng Chính phủ ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết một thông tin bất ngờ: Giá kit test nhanh kể cả các chi phí khác, kho bãi cũng chỉ khoảng 50.000 đồng/bộ (trong khi giá DN, người dân phải trả là 130.000-150.000 đồng/bộ, cá biệt có nơi hơn 200.000 đồng/bộ). Trả lời vấn đề này, Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế) cho rằng: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.
Chưa có qui định thì cũng không có nghĩa là thả nổi, bắt chẹt người dân, doanh nghiệp theo ý muốn của mình. Vì sao một cơ quan quản lý chuyên ngành về y tế khi thấy những bất hợp lý, bất cập gây bức xúc cho xã hội mà lại không đưa ra bất kỳ tư vấn, giải pháp nào? Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về ai? Liệu ở đây có phải là sự vô cảm của các nhà quản lý hay lợi ích nhóm?
Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Bộ Y tế!
Theo VOV