Làm gì để tăng sức hút vào lĩnh vực logistics?

30/09/2018 12:20

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực logistics đang là bài toán khó cần sự vào cuộc của các ngành chức năng.

Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương không được hưởng ưu đãi nào khi đầu tư vào lĩnh vực logistics

Ít doanh nghiệp đầu tư

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, doanh nghiệp (DN) tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn, gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan và các giấy tờ khác; tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận. Phát triển logistics đang trở thành một yêu cầu quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động vận tải và tạo ra các cơ hội giao thương hàng hóa cho các bên liên quan. 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, mỗi KCN đều có tỷ lệ quy hoạch nhất định dành cho lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, trong các KCN của tỉnh hiện mới có 7 DN đầu tư dự án liên quan đến hoạt động logistics. Các dự án này nằm trong KCN Phúc Điền và Tân Trường. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 2 DN hoạt động trong lĩnh vực logistisc ở ngoài KCN. Các DN đầu tư vào lĩnh vực này thường có quy mô trung bình và nhỏ. Dịch vụ logistics của các DN còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, chủ yếu là những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics ở nước ngoài, chưa có DN nào đứng ra tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics.

Là DN đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực logistisc tại Hải Dương, năm 2006 Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương đã đầu tư xây dựng, kinh doanh kho bãi, dịch vụ vận tải và giao nhận hàng đông lạnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu cho khách hàng trong và ngoài nước; kinh doanh kho bãi, làm các thủ tục hải quan trong KCN Phúc Điền.

Hạ tầng chưa bảo đảm và thiếu chính sách ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực này là điều khiến DN này băn khoăn. Ông Đào Văn Thiện, Trưởng chi nhánh công ty cho biết: DN của Nhật Bản thuê địa điểm tại đây để làm kho lưu trữ và phân phối hàng hóa tới các đối tác. Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương có gần 50 khách hàng, chủ yếu là những DN của Nhật Bản. Mặc dù là lĩnh vực mới nhưng khi đầu tư vào dịch vụ logistics công ty không được hưởng ưu đãi nào. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng trong KCN Phúc Điền có nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN. Cụ thể, trong KCN Tân Trường không có tên đường hay ký hiệu lô đất khiến đối tác khó tìm đường vào công ty. Các gờ giảm tốc được làm quá cao và không sơn phản quang, gây nguy hiểm cho các xe chở container đi vào KCN buổi tối.

Cần giải pháp đồng bộ

Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển hệ thống dịch vụ logistics tốt hơn hiện nay, nhưng các lợi thế chưa được khai thác triệt để. Việc kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối giữa các đầu mối vận tải, đầu mối kinh tế và giữa các DN trong tỉnh với các tỉnh khác chưa hiệu quả. 

Theo Sở Giao thông vận tải, hệ thống giao thông trong tỉnh hiện nay tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 12.853 km đường các loại, trong đó có hơn 40 km đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 189 km quốc lộ các loại, 73 km đường sắt qua địa bàn tỉnh... Toàn tỉnh có 18 tuyến đường thủy nội địa dài 418,5 km. Hiện hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã và đang được thi công, hoàn thiện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Với hệ thống giao thông như trên, việc phát triển các loại hình dịch vụ kho bãi, bốc dỡ, vận chuyển hàng tại các điểm trung chuyển và nút giao tương đối thuận lợi. Nhưng hiện nay, tại hầu hết các ga tàu, cảng, bến thủy nội địa của tỉnh còn hạn chế về năng lực xếp dỡ hàng hóa. Ngoài ra, vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác. Theo số liệu của ngành giao thông, năm 2017, doanh thu hoạt động vận tải kho bãi và hỗ trợ vận tải trong tỉnh đạt 7.201 tỷ đồng, trong đó vận tải bằng đường bộ chiếm gần 70%. 

Hiện nay, Hải Dương chưa hình thành trung tâm logistics. Hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa, bảo dưỡng container... được thực hiện chủ yếu tại cảng cạn (ICD) ở TP Hải Dương, với quy mô khoảng 12 ha. 

Theo ông Nguyễn Địch Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao nhận và Kho vận Hải Dương, hoạt động logistics là một chuỗi hoạt động gồm nhiều công việc, liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Vì vậy, để tạo điều kiện cho DN đầu tư vào lĩnh vực này, các cấp, các ngành liên quan cần kiến nghị tháo gỡ khó khăn về điều kiện kinh doanh của các DN đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics. Hiện DN đầu tư vào đây đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất "hai tầng" điều kiện. Một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics. 

Để phát triển loại hình dịch vụ logistics, thu hút được nhiều DN đầu tư vào logistics, các ngành chức năng của tỉnh nên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa. Tận dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên sẵn có về đường sông để kết nối các phương thức vận tải nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng vận tải. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương  mại (Sở Công thương) cho rằng, tỉnh cần có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics loại1, đóng vai trò kết nối thị trường Hải Dương với các thị trường khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác. Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử...

THÀNH LAN

(0) Bình luận
Làm gì để tăng sức hút vào lĩnh vực logistics?