Gấp rút chuẩn bị để xuất khẩu chính ngạch vải tươi sang Trung Quốc

25/04/2019 16:21

Quả vải chuẩn bị vào mùa cho thu hoạch nhưng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vốn là thị trường lớn, các cấp, các ngành liên quan đang gấp rút chuẩn bị để đạt yêu cầu của phía đối tác...


Hiện mới có 2 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc. Trong ảnh: Cơ sở sơ chế vải tươi của Công ty CP Nông sản Hưng Việt. Ảnh tư liệu

Vải là 1 trong 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch. Nhưng từ năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu vào thị trường này những hoa quả có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc về vùng trồng, cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp mã số và được phía Trung Quốc công nhận. Các đơn vị trong tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để có thể đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vải tươi của Trung Quốc.

Mới có 2 doanh nghiệp được cấp mã số

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hơn 50% sản lượng vải tươi của tỉnh được tiêu thụ tại Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, trước đây "dễ tính" nên cả chủ vườn và thương lái thường ít quan tâm tới các điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Dù được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch nhưng quả vải vẫn sang thị trường này chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Từ năm 2019, Trung Quốc bắt đầu thắt chặt quản lý nhập khẩu, đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu tiểu ngạch và đưa ra nhiều điều kiện đối với nhập khẩu vải chính ngạch đã làm cho các nhà vườn và cơ sở thu mua đứng ngồi không yên vì vụ vải đang tới rất gần.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Việc Trung Quốc bất ngờ kiểm soát chặt nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam đã tạo ra áp lực nhất định đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như cơ quan chuyên môn. Bên phía Trung Quốc yêu cầu phải có thông tin về vùng sản xuất và cơ sở đóng gói thì quả vải mới được thông quan". Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, trên bao bì sản phẩm phải thể hiện đầy đủ thông tin về tên, nguồn gốc; tên hoặc mã nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Doanh nghiệp có thể bổ sung mã QR, tem chống hàng giả... nhưng đơn vị của Trung Quốc sẽ cung cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện toàn tỉnh mới có 2 doanh nghiệp được cấp mã số bảo đảm các điều kiện sơ chế, đóng gói vải tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc là các Công ty CP: Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) và Kim Chính (TP Hải Dương), còn lại chưa có vùng trồng nào được cấp mã số.     


​Vùng trồng vải xuất khẩu đang được huyện Thanh Hà và cơ quan chuyên môn hoàn thiện các thủ tục để cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc

Nỗ lực hoàn thiện thủ tục

Theo đánh giá, các vùng trồng vải trong tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu từ phía Trung Quốc, nhưng vướng mắc hiện nay là hoàn thiện các thủ tục pháp lý để quả vải có thể xuất khẩu chính ngạch. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin: "Để vải tươi của tỉnh có thể vào thị trường Trung Quốc thuận lợi, sở đã đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp, gấp rút thống kê vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn. Trong đó, vùng trồng được cấp mã diện tích tối thiểu 10 ha/vùng. Việc cập nhật số liệu và đăng ký cấp mã số phải nhanh chóng thực hiện để báo cáo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) trước ngày 1.5".

Trước mắt, Sở NN-PTNT lựa chọn 13 vùng vải xuất khẩu được xây dựng từ năm 2017 để đăng ký cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc. Sở khuyến khích các địa phương chọn vùng trồng vải phù hợp trên tinh thần không bỏ sót vùng nào đủ điều kiện về diện tích bởi Trung Quốc có thể từ chối cấp mã đối với bất kỳ vùng nào. Dù chủ động chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc nhưng việc có được chấp thuận hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào phía Trung Quốc. Để được cấp mã số, các đơn vị phải cung cấp số liệu vùng trồng, cơ sở đóng gói cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm định. Sau khi phía Việt Nam xác nhận bảo đảm yêu cầu sẽ gửi hồ sơ sang Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Nếu được chấp nhận, thông tin về các vùng trồng, cơ sở đóng gói vải tươi sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải công khai và đưa vào hệ thống quản lý để các thương lái nắm bắt, tìm đến thu mua, đóng gói đúng địa chỉ. "Nếu Trung Quốc tạo điều kiện thì vụ vải năm nay Hải Dương sẽ xuất khẩu thuận lợi sang thị trường này, còn nếu gây khó dễ để bảo hộ vải tươi nội địa thì sẽ gặp nhiều bất lợi", bà Kiểm cho biết thêm.

   PV

(0) Bình luận
Gấp rút chuẩn bị để xuất khẩu chính ngạch vải tươi sang Trung Quốc