Do hoạt động trở lại của khối khí lạnh phía bắc khiến thời tiết khu vực Đông Bắc Bộ rét, mưa ẩm kéo dài.
Đây là điều kiện thích hợp để nấm đạo ôn bùng phát và gây hại lúa xuân thời kỳ đẻ nhánh. Trên những diện tích lúa nhiễm (nếp các loại) đã xuất hiện vết bệnh trên lá lúa với tỷ lệ nhiễm từ 1-5%. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm phòng trừ như sau:
- Tăng cường bón kali, giảm đạm trên những chân ruộng trũng, bùn hẩu. Nhiều vụ gieo cấy cho thấy nếu để lúa với mật độ vừa phải thì năng suất sẽ cao, lại hạn chế được nhiều loài sâu bệnh, nhất là rầy nâu, đạo ôn, khô vằn gây hại. Mặt khác, trên những chân ruộng trũng, bùn hẩu, cây lúa hay có nguy cơ thừa đạm vì bộ rễ lớn hút nhiều nhưng đất này lại nghèo kali sẽ làm cho nấm đạo ôn phát sinh gây hại mạnh. Nếu kiểm soát tốt các chân ruộng lúa này sẽ không có ổ bệnh xuất hiện và lây lan.
- Nắm rõ điều kiện phát sinh, phát triển của nấm bệnh: Biết được nấm đạo ôn phát triển mạnh khi nào cũng như thời điểm phát sinh thì khâu phòng ngừa bệnh sẽ rất hiệu quả. Nấm đạo ôn chỉ có thể nảy mầm, xâm nhập vào lúa và gây hại mạnh khi điều kiện thời tiết với nhiệt độ 20 - 28 độ C, ẩm độ trên 90%, sương mù hoặc mưa phùn nhiều ngày. Nếu thời tiết như vậy, nông dân cần thường xuyên thăm và kiểm tra đồng ruộng, chăm sóc cây lúa khỏe bằng bón phân cân đối, không để lúa thừa đạm, bổ sung các chất dinh dưỡng trung vi lượng, hữu cơ cho cây, giữ nước thường xuyên để lúa hút dinh dưỡng thuận lợi.
Thời điểm bệnh phát sinh mạnh là giai đoạn lúa xuân đẻ nhánh đến làm đòng và lúa mùa muộn trổ bông.
- Trị bệnh: Nên sử dụng thuốc thế hệ mới đặc trị đạo ôn vì nhiều loại thuốc cũ nấm đã kháng được. Phối trộn một trong các loại thuốc như Fuji- one, Fendy, Katana, Difusan với Kasumin để trừ nấm bệnh. Kinh nghiệm cho thấy sau khi phun thuốc từ 1-2 ngày sử dụng vôi tả với lượng 10-15kg/sào sẽ cho kết quả cao để sát khuẩn và chống lây lan.
* Lưu ý:
+ Khi phun thuốc trừ nấm bệnh đạo ôn không được cộng cùng kali trắng vào bình phun như trừ nấm khô vằn vì kali kìm hãm nấm khô vằn nhưng lại thúc đẩy nấm đạo ôn phát triển.
+ Không nên bón đạm hoặc các chất kích thích trong lúc cây bị bệnh vì làm vậy bệnh lại càng lan nhanh.
+ Cần giữ nước ruộng để hạn chế tác hại của bệnh.
+ Cần phun thuốc phủ hết toàn bộ thân lá lúa sao cho tia thuốc phải nhỏ, mịn (phun đủ liều lượng).
+ Nếu sau phun trong vòng 4 tiếng gặp mưa thì cần phun lại.
+ Sau phun 1 tuần cần kiểm tra lại nếu thấy lá mới có vết bệnh phải phun nhắc lại lần 2 và luân phiên thuốc.
+ Những ruộng lúa đã bị đạo ôn lá thì khi lúa trổ cần phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông lúc lúa thấp thoi.
KS: TRẦN THỊ LIÊN
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách