Lao động - Việc làm

Kiến nghị sớm khởi động đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2024

Theo VnExpress 24/11/2023 08:30

Công đoàn cho rằng Hội đồng tiền lương quốc gia cần sớm họp bàn tăng lương tối thiểu để điều chỉnh cùng với cải cách tiền lương vào tháng 7/2024.

Tại phiên đầu tiên vào tháng 8 bàn về tiền lương tối thiểu năm 2024, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất lùi phiên thương lượng tiếp theo tới tháng 11. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm, hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm tăng 3,29%, lạm phát tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước.

Công đoàn Việt Nam - đại diện phía người lao động, cho rằng đã sắp hết năm và Hội đồng tiền lương quốc gia cần sớm khởi động đàm phán để nếu không kịp điều chỉnh vào đầu năm 2024 thì vẫn kịp thời điểm với cải cách tiền lương khu vực nhà nước áp dụng vào tháng 7/2024.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phân tích đến nay chưa khởi động đàm phán lương thì chắc chắn không kịp tăng vào ngày 1/1 như thông lệ nhiều năm. Bởi từ lúc các bên họp bàn để chốt được mức tăng, thời điểm tăng cho tới khi nghị quyết điều chỉnh trình Chính phủ, ban hành và có hiệu lực cần quãng thời gian. Chỉ còn hai thời điểm thích hợp để tăng là ngày 1/4 hoặc 1/7.

Theo ông Quảng, chọn ngày 1/4 thì lao động được tăng lương sớm trong bối cảnh giá cả, chi phí sinh hoạt đắt đỏ từng ngày, song không thuận lợi với kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Điều chỉnh vào đầu tháng 7 sẽ hợp lý hơn, thuận lợi đôi bên, tránh gây xáo trộn.

"Tăng lương càng sớm càng tốt bởi Nghị quyết 27/2018 quy định từ năm 2021, nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Chọn thời điểm nào thì cũng đã gần hai năm mới tăng, bởi lần điều chỉnh gần nhất từ ngày 1/7/2022", ông Quảng nói.

Sinh hoạt của một gia đình công nhân ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Sinh hoạt của một gia đình công nhân ở Đà Nẵng

Về mức tăng, chính sách tiền lương mới trong khu vực công áp dụng tháng 7/2024 và dự kiến mỗi năm tăng bình quân 7% từ năm 2025. Theo ông Quảng, tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu khu vực tư thấp nhất cũng nên xấp xỉ mức này. Bởi ngoài bù trượt giá cần tính nhiều yếu tố khác sau gần hai năm chưa điều chỉnh.

Nghị quyết 27 đã quy định "cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hàng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu, khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương". Song sau 5 năm, cơ quan thống kê vẫn chưa công bố.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đánh giá việc Tổng cục Thống kê tới nay chưa công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ tính toán mức lương tối thiểu gây nhiều khó khăn cho các bên khi thương lượng. Hội đồng vẫn phải căn cứ vào tính toán của bộ phận kỹ thuật.

Theo cách tính này, mức sống tối thiểu một tháng của lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 48% và phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%. Chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% của người lớn. Trước mỗi kỳ đàm phán, phía công đoàn nhiều lần cho rằng công thức đã cũ, duy trì hàng chục năm nên đề xuất điều chỉnh. Hiện đời sống phát triển, chi phí cho nhóm phi lương thực phải được nâng lên, giảm phần chi phí cho lương thực.

"Khi có mức sống tối thiểu, các bên có thể đàm phán với nhau bằng căn cứ khoa học và thuyết phục hơn", ông Hiểu nói, thêm rằng cách tính hiện tại của bộ phận kỹ thuật chỉ mang tính ước lượng. Mức tăng mỗi kỳ điều chỉnh vì thế gần như để bù trượt giá, trong khi tiền lương thực tế lao động nhận thêm không nhiều.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng được nhìn nhận tích cực, dù chỉ cao hơn tốc độ cùng kỳ các năm 2020, 2021, thời điểm đáy vì đại dịch. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%. Trong khi CPI bình quân 9 tháng qua tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

TS Nguyễn Việt Cường, Viện phó Nghiên cứu Phát triển Mekong, nhận định tình hình kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực, song đây là thời điểm mà Hội đồng tiền lương quốc gia nên khởi động lại đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu. Các bên cần cập nhật tình hình đời sống lao động, sức khỏe doanh nghiệp, chỉ số lạm phát thời điểm này so với phiên họp đầu làm cơ sở đề xuất mức tăng phù hợp, sao cho cân bằng cả hai phía.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên. Phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Lương tối thiểu được điều chỉnh gần nhất ngày 1/7/2022 với mức tăng 6%, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Kiến nghị sớm khởi động đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2024