Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết trong lúc căng thẳng của dịch bệnh COVID-19, bản báo cáo nói trên đã làm rối loạn tình hình tại địa phương.
Văn bản đề nghị cách ly nhóm người dân từ Vĩnh Phúc vào Điện Bàn làm ăn, buôn bán của Trạm y tế Điện Thắng Bắc
Sáng 19.2, ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc vụ việc hai trạm y tế xã đã đề nghị cách ly một nhóm người dân trở về từ tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi được lãnh đạo thị xã tham gia "minh oan", những người dân liên quan tới vụ việc đã gọi điện cảm ơn bởi sự việc họ bị "kỳ thị" và đẩy câu chuyện đi quá xa trong nỗi lo lắng về dịch COVID-19.
Trước đó, trong bản báo cáo về tình hình dịch COVID-19 gửi cấp trên ngày 13.2, trạm y tế xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn) sử dụng cụm từ "đối tượng" để chỉ một nhóm 4 người đến từ huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) vào Điện Bàn làm ăn, buôn bán.
Trong báo cáo này, trạm y tế Điện Thắng Bắc nêu rằng khi nắm thông tin về bốn người nói trên vào thị xã Điện Bàn, xã đã thành lập đoàn giám sát tại hộ gia đình có "đối tượng" tạm trú. Cơ quan y tế xã cũng đo nhiệt độ và phát hiện "một đối tượng sốt nhẹ trên 37,2 độ C". Từ đây, bốn "đối tượng" đến từ tỉnh Vĩnh Phúc bị "đề nghị cách ly tại cơ sở y tế tuyến trên. Hạn chế tốt nhất không để dịch xảy ra tại cộng đồng dân cư".
Bản báo cáo của trạm y tế Điện Thắng Bắc bị đưa lên mạng. Trên các diễn đàn, nhiều người bày tỏ lo lắng và có nhiều ý kiến đề nghị lập hàng rào kiểm soát người dân vùng giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vì lo sợ dịch bệnh.
Việc dùng từ "đối tượng" đối với những người không đến từ vùng xã có dịch cũng gây ra nhiều ý kiến khác nhau
Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết trong lúc căng thẳng của dịch bệnh COVID-19, bản báo cáo nói trên đã làm rối loạn tình hình tại địa phương.
"Chỉ vài giờ sau khi báo cáo được đưa lên mạng, điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Riêng ngày 13.2 tôi nhận được cả hàng trăm cuộc gọi từ người dân, đồng nghiệp, người ở xa. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng gọi điện yêu cầu xác minh, làm rõ gấp", ông Hà nói và cho biết khi xác minh từ tuyến dưới thì mới vỡ lẽ không phải 4 người dân bị đề nghị "cách ly" đến từ xã có dịch dù thực tế họ đến từ tỉnh Vĩnh Phúc.
"Nhóm 4 người dân đó đúng là đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng không phải từ xã có dịch, nơi bị giám sát đặc biệt, mà họ ở cách xa vị trí có dịch tới 40-60km. Nhưng do cán bộ y tế nôn nóng thái quá nên khi phát hiện những người này vào địa bàn đã đề nghị đi cách ly. Đúng ra những người này chỉ ở mức cần phải đo nhiệt độ, theo dõi giám sát", ông Hà nói.
Ngoài nhóm người này, ông Hà cũng cho biết có thêm một người dân khác tới Điện Bàn từ tỉnh Vĩnh Phúc nhưng cũng bị một trạm y tế xã đề nghị cho cách ly.
Liên quan sự thái quá này, ông Hà cho biết trong cuộc họp của thị xã chiều 17.2, Trạm y tế Điện Thắng Bắc và các cơ sở y tế, cá nhân liên quan đã bị đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về ứng xử với người dân.
"Xã gọi những người đến từ tỉnh Vĩnh Phúc là "đối tượng" thì xét cho cùng không có gì sai, nhưng việc đề nghị cách ly khi họ không đến từ xã có dịch là hành động thái quá, gây hoang mang. Khi thông tin đó xuất hiện trên mạng, những người Vĩnh Phúc vào Điện Bàn làm ăn bị khốn khổ vì bị kỳ thị, không ai dám tiếp xúc với họ trong khi họ không hề nhiễm bệnh.
Sau khi tôi chỉ đạo cơ quan y tế đính chính, những người từ tỉnh Vĩnh Phúc như được "giải cứu", họ gọi điện thoại cho tôi để cảm ơn vì đã cứu họ sớm trước bão dư luận", ông Hà nói.
Theo Tuổi trẻ