Y tế - Sức khỏe

Món canh chua khiến hơn 400 công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc

H.A (theo VnE) 21/05/2024 19:15

Kết quả xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong canh chua giá đỗ - một món trong bữa cơm trưa của công nhân Công ty Shinwon Ebenezer Việt Nam ở Vĩnh Phúc, khiến hơn 400 người ngộ độc.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc, chiều 15/5. Ảnh:Thúy Quỳnh
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc, chiều 15/5

Thông tin được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung cho biết tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức, sáng 21/5. Xét nghiệm này được thực hiện bởi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.

Vụ ngộ độc xảy ra ngày 14/5, khi Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho khoảng 3.000 công nhân ăn trưa thành hai ca. Trong đó ca một khoảng hơn 1.000 suất, ca hai có khoảng 2.000 suất. Suất ăn do công ty này tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh giá đỗ, dưa muối.

Sau bữa cơm, tổng cộng 438 công nhân ngộ độc nhập viện, hai triệu chứng chính là nôn và đi ngoài nhiều lần. Triệu chứng nhanh chóng đến và nhanh chóng hết trong 1-2 ngày. Đến sáng 21/5, không bệnh nhân nào còn điều trị ở viện.

"Vi khuẩn Bacillus Cereus trong canh chua giá đỗ được xác định là nguyên nhân nghi ngờ cao nhất", ông Trung nói, thêm rằng các triệu chứng lâm sàng mà công nhân gặp phải như nôn, tiêu chảy, phù hợp với nhận định này.

Vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ nhiễm vào thực phẩm. Chúng có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.

Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4 đến 48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28 đến 35 độ C. Thực phẩm nhiễm độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.

Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết đã tích cực kiểm tra các bếp ăn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm nhưng "không thể kiểm tra hết được hiện tượng thực phẩm đi lòng vòng". Như công ty trên đặt rau cung cấp cho bếp ăn nhưng rau lại mua ở chợ. Món canh chua giá đỗ nhiễm vi khuẩn có các thành phần chế biến gồm giá đỗ, hành lá, rau mùi, nước và quả chua... Khi lực lượng chức năng kiểm tra, đại diện bếp ăn cho biết lúc chế biến thiếu 6 kg giá đỗ nên ra chợ mua bù, dẫn đến nguồn thực phẩm không sạch.

"Đây là lỗ hổng, chúng tôi đang tiếp tục truy xuất nguồn gốc", ông Trung nói, thêm rằng điều tra cho thấy nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm "không có vấn đề".

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng nhìn nhận kết quả truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cho thấy nhiều thực phẩm được bếp ăn tập thể mua ở đơn vị cung cấp, nhưng truy xuất đến đơn vị cung cấp mới phát hiện mua ở chợ không có giấy phép, không kiểm soát được chất lượng.

Cục An toàn Thực phẩm ghi nhận 5 tháng đầu năm nay xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.241 người ngộ độc, không có ca tử vong. Nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc chủ yếu do ô nhiễm vi sinh vật, nhưng chưa xác định được đầy đủ các nguyên nhân do không lấy được mẫu thực phẩm xét nghiệm.

H.A (theo VnE)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món canh chua khiến hơn 400 công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc
    ss