Nếu công tác khuyến học không hướng tới cái đích là khuyến khích tinh thần học tập suốt đời thì mỗi người không đủ tri thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng trong thời đại 4.0.
Tôi khâm phục nhiều điển hình tiên tiến về dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V vừa được tổ chức. Được nhìn thấy họ, nghe họ kể câu chuyện cuộc đời, câu chuyện khuyến học là một trải nghiệm đáng quý của tôi.
Trong những điển hình tiên tiến có bài tham luận, tôi ấn tượng nhất với 3 người. Hồi nhỏ, nông dân Nhữ Thị Trường ở xã Tân Việt (Bình Giang) rất ham học nhưng nhà nghèo, đông anh em nên phải bỏ học giữa chừng. Sau khi lập gia đình, bà Trường cùng chồng tảo tần sớm hôm, làm đủ thứ nghề để cho con học với tâm niệm "đầu tư cho con ăn học là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai". Thành quả xứng đáng dành cho vợ chồng bà khi cả hai người con đều học giỏi, đang là sinh viên 2trường đại học có uy tín, trong đó cô con gái Vũ Thị Chinh từng đoạt huy chương vàng Olympic sinh học quốc tế năm 2016.
Đó còn là tấm gương của nhà giáo, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Dũng ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã dành một phần thu nhập trong suốt 20 năm qua để làm quà khuyến học và học bổng cho các con cháu của đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm qua, ông Dũng đã trao 411 suất quà khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó.
Nhắc đến nhà sáng chế Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ), nhiều người biết tiếng. Nhà nghèo nên anh Hát chỉ học hết lớp 7 để phụ giúp gia đình. Với tinh thần ham học hỏi, sáng chế, từ năm2012 đến nay anh đã sáng chế, cải tiến hơn 40 loại máy, có loại máy bán được trong cả nước và xuất sang 14 nước trên thế giới. Nhờ tài sáng chế mà khi lao động ở Israel - một đất nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nhưng anh vẫn sáng chế nhiều loại máy giúp ích cho ông chủ trang trại và được thưởng 10.000USD. Đến nay, anh Hát đã được nhận hơn 50 huân chương, bằng khen, giấy khen, cúp, giấy chứng nhận cho các sáng chế, thành tích của mình.
Điểm chung của cả 3 điển hình tiên tiến trên là họ đều thấy rõ tầm quan trọng của sự học và công tác khuyến học. Và chính họ cũng là những tấm gương ham học để con cháu và nhiều người khác noi theo.
Từ những điển hình ấy, tôi chợt nghĩ tới câu hỏi: Cái đích cuối cùng của công tác khuyến học là gì? Theo tôi, cái đích cuối cùng của công tác khuyến học là khơi dậy, bồi dưỡng và phát huy tinh thần học tập suốt đời của mỗi người để tạo ra thành quả có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Công tác khuyến học ngày nay khác với khuyến học trong thời phong kiến. Bên cạnh những ưu điểm, công tác khuyến học trong thời phong kiến còn có một số mặt hạn chế như nặng tinh thần học để làm quan, làm thầy. Một học giả nổi tiếng từng phê phán tinh thần học này giống như cầm cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì vứt cục gạch đi. Đó là cái học ngắn hạn vì khi con người ta đã đạt được mục đích thì không cần duy trì tinh thần học tập suốt đời nữa.
Xã hội tri thức ngày nay biến động từng giờ, lượng kiến thức của nhân loại tăng theo cấp số nhân trong thời gian ngắn. Nếu không có tinh thần học tập suốt đời, nếu công tác khuyến học không hướng tới cái đích là khuyến khích tinh thần học tập suốt đời thì mỗi người không đủ tri thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng trong thời đại 4.0.
Công tác khuyến học cũng cần tập trung khơi dậy, phát huy sở trường và sở thích của mỗi người. Hãy thử hình dung nếu anh Hát có sở trường và ham thích sáng chế máy nông cụ nhưng lại được khuyến khích trở thành một giáo viên, một anh bộ đội thì liệu anh có phát huy được tài năng của mình và đạt được những thành công vượt trội như trên? Chắc là không. Nếu một người có sở trường nhưng không có sở thích thì có thể thành công song khó thành công vượt bậc và nếu chỉ có sở thích mà không có sở trường cũng rất khó giành thành tích cao.
NINH TUÂN