Nếu chỉ dùng chính sách tiền tệ mà không giải quyết tận gốc vấn đề chính sách tài khóa thì chẳng khác nào "vỗ tay với một bàn tay", kinh tế sẽ khó khởi sắc trở lại.
Kinh tế trong nước những tháng đầu năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp so với kế hoạch. Kết quả này được dự báo trước, khi chỉ số kinh tế vĩ mô các tháng đầu năm 2023 không tốt. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - một trong những chỉ số dẫn dắt thị trường tháng 3 đạt 47,7 điểm, tháng 4 tiếp tục giảm còn 46,7 điểm. PMI cần đạt ngưỡng 50 điểm - điểm cân bằng báo hiệu nền kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên, PMI tháng 3 và tháng 4 đều dưới 50 điểm cho thấy doanh nghiệp ít đầu tư mua sắm để mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng mới.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm bởi xuất khẩu giảm, sức mua trong nước yếu. Để kích cầu tiêu dùng hay về lý thuyết là nâng đường tổng cầu, cần đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Song việc tác động vào hoạt động xuất khẩu là không khả thi do phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường thế giới nhưng Chính phủ có thể sử dụng đồng thời 2 công cụ tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua kích thích tiêu dùng với 100 triệu dân trong nước. Đến thời điểm này, chính sách tiền tệ được thực hiện tốt nhưng chính sách tài khóa lại chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua nhằm giảm chi phí vốn, qua đó giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Với chính sách tài khóa, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề xuất Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng trong nước. Đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỷ đồng nhưng 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư công mới giải ngân được 14,66%. Giữa tháng 4, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất thuế 10% nhưng còn phải chờ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra.
Chính sách tài khóa chưa được như kỳ vọng nên chính sách tiền tệ chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng cho nền kinh tế. Tuy lãi suất điều hành giảm nhưng lãi suất thực trên thị trường tiền tệ vẫn ở mức cao do cần thời gian để thẩm thấu chính sách. Lãi suất cao cộng với tổng cầu yếu khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay để đầu tư kinh doanh. Điều đó được phản ánh qua tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 2,57%, bằng 39,8% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tiền không đi vào nền kinh tế để sản xuất, kinh doanh, làm ra của cải vật chất, tạo thêm việc làm mà đang chạy lòng vòng trong hệ thống giữa kho bạc nhà nước và các ngân hàng. Đến thời điểm này còn tồn 1 triệu tỷ đồng trong kho bạc nhà nước chưa giải ngân được.
Theo nhiều chuyên gia, chỉ với chính sách tiền tệ sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề kinh tế khó khăn hiện nay, chẳng khác nào "vỗ tay với một bàn tay". Trong khi dư địa cho chính sách tiền tệ không còn nhiều bởi lãi suất huy động đang tiệm cận với mức lạm phát dự báo năm 2023 nên Chính phủ cần sử dụng hiệu quả công cụ tài khóa bằng cách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Quốc hội sớm ban hành nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, trừ các hàng hóa, dịch vụ bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán... như đề xuất của Chính phủ. Chỉ khi cả 2 công cụ tiền tệ và tài khóa cùng phát huy hiệu quả thì nền kinh tế có thể mới khởi sắc trở lại.
PHƯƠNG LINH