Hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long có dấu hiệu nứt gãy, nguy cơ bị đổ sập, nên cần sớm có biện pháp gia cố và bảo vệ, theo các chuyên gia.
ThS. Hồ Tiến Chung, Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết bằng mắt thường, du khách có thể nhìn thấy "sự chông chênh" của hòn Trống Mái vào thời điểm triều kiệt. Mực nước thấp, làm lộ ra phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn dần, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố.
Trong quá trình thực địa, nhóm nghiên cứu của ông cũng phát hiện ra nhiều đứt gãy ở khu vực này. Các đoạn đứt gãy khiến các đá trên đảo bị dập vỡ và phân khối, mảnh, khiến sự đổ lở của hòn Trống Mái có thể diễn ra nhanh chóng hơn.
"Có nhiều yếu tố tác động đến sự ổn định của hòn Trống Mái như sóng, gió, nước, thủy triều, dòng chảy, thực vật và cả con người. Các vết nứt một khi đã mở ra tạo điều kiện cho nước, gió luồn vào gây xói mòn, ăn mòn, lâu dần tốc độ ăn mòn ngày càng nhanh", ông Chung chia sẻ và nói thêm các khối đá tạo nên hai hòn này "rất rời rạc".
Báo cáo hồi tháng 7 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về "mức độ an toàn của hòn Trống Mái" chỉ ra hòn Trống Mái có diện tích phần nổi khoảng 400 m2, cấu tạo chủ yếu bởi đá vôi Carbon - Permi hệ tầng Bắc Sơn. Hiện đảo đá này chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở. Bằng các phương pháp khoa học, đơn vị chỉ ra khu vực hòn Trống Mái có 40 khối có nguy cơ trượt, đổ lở, trong đó 11 khối ở hòn Trống và 29 khối ở hòn Mái.
Ngoài ra, ông Chung chia sẻ thêm còn có những yếu tố về con người cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ăn mòn, đổ lở ở hòn Trống Mái. Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị nhận thấy ngư dân vẫn vào khu vực hòn Trống Mái để khai thác hà biển, đánh bắt cá ... do không phải lúc nào cũng có cán bộ quản lý túc trực để bảo vệ.
Mặt khác, đơn vị nghiên cứu cũng nhận thấy tàu, thuyền du lịch, cano vẫn có thể gây ra tác động xấu đến hòn Trống Mái dù du khách không được lên đảo.
Trong một bức ảnh được ghi lại trong quá trình nghiên cứu, vào lúc cao điểm, một tàu du lịch dừng ở vị trí cách hòn Trống Mái 19,79 m để du khách chụp ảnh. Tuy nhiên, phía sau tàu này là nhiều tàu khác đang chờ nên không thể quay đầu, phải tiếp tục hướng về phía hòn Trống Mái để di chuyển sang hướng khác. Hiện tượng ùn tắc quãng dài dẫn đến việc các tàu có khả năng va chạm nhau và có nguy cơ quệt vào hòn Trống Mái.
Một số cano cỡ lớn có sức tải 4-8 người khi di chuyển với tốc độ 30 km/h có thể tạo ra cột nước 40 - 60 cm. Các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa hơn 100 m với tốc độ tương đương cũng tạo nên những cột sóng cao hơn 80 cm, tác động lên hòn Trống Mái. Thời gian tác động thường kéo dài một hoặc hai phút, chưa kể việc một số cano tham quan thường lượn nhiều vòng quanh đảo. Về lâu dài, những đợt sóng này cũng góp phần đẩy nhanh việc ăn mòn bề mặt hòn Trống Mái.
Do đó, các chuyên gia đều chung nhận định cần có những biện pháp gia cố, bảo vệ hòn Trống Mái. Ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu để không phá đi vẻ đẹp tự nhiên của điểm du lịch này.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đề xuất dùng các giải pháp kỹ thuật như: neo đá để bảo vệ những khối trượt, bơm xi măng chuyên dụng vào khe nứt nhằm giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các khe nứt, dùng tường bê tông chịu lực để gia cố vách có nguy cơ đổ lở, phun bê tông trộn sợi nhựa kỹ thuật nhằm hạn chế tốc độ ăn mòn chân đảo.
Về các giải pháp "mềm" liên quan đến con người và hoạt động du lịch, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng ban quản lý vịnh Hạ Long cần nghiên cứu phân luồng tuyến ra vào khu vực quan sát và chụp ảnh hòn Trống Mái; khống chế khoảng cách tối đa từ tàu đến hòn Trống Mái cũng như thời gian tàu dừng lại để giảm ách tắc; hạn chế tốc độ di chuyển của tàu thuyền khi đi qua khu vực có bán kính 200 - 300 m xung quanh đảo còn 5-10 km/h; nâng cao nhận thức cho ngư dân để không khai thác quanh khu vực hòn Trống Mái.
Vịnh Hạ Long từng mất đi hòn Thiên Nga năm 2016 khi "phần đầu thiên nga" bị đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013. Tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con) - được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989 - cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn hòn Tử (con).
Vì vậy việc bảo vệ, gia cố hòn Trống Mái là "cực kỳ cần thiết", ông Chung khẳng định.
Theo VnExpress