Theo Quyết định 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Côn Sơn – Kiếp Bạc được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Hiện cơ quan chức năng đang xúc tiến nhiều biện pháp để hướng tới đích đến nêu trên.
Ưu tiên đầu tư
Cuối tuần vừa qua, đưa con trai về tham quan chùa Côn Sơn, chị Trần Thị Kim Oanh (TP Hải Phòng) ngạc nhiên khi đi trên con đường dẫn vào di tích. “Trước đây, đường nhỏ hẹp, vào mùa lễ hội thường xảy ra ùn tắc. Giờ đường đã được trải bê tông nhựa, mở rộng, góp phần làm cảnh quan di tích thêm khang trang, đẹp đẽ”, chị Oanh cho biết.
Để thúc đẩy tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, tại cả 2 di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc có nhiều dự án được triển khai. Một trong số đó là Dự án Xây dựng bến, chợ sông Thương, sân lễ hội và bến bãi xe phía trước đền Kiếp Bạc. Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, khu vực thực hiện dự án có diện tích 6 ha ở phía trước đê tả sông Thương, tổng mức đầu tư dự kiến 98 tỷ đồng. Dự án được thực hiện sẽ tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách.
Ngoài ra, Dự án Cải tạo, tu bổ núi Mâm Xôi; xây dựng nhà Bảo tàng Trần Hưng Đạo; hạng mục Viên Lăng; tu bổ, tôn tạo đền Thanh Hư; phục hồi suối Côn Sơn… cũng sắp được triển khai đồng loạt.
Được xác định là địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia, Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm trong danh mục dự án được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, nơi đây còn được đầu tư về chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường... Các dự án đều có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết nhằm tạo đột phá cho phát triển du lịch.
Phát triển các dịch vụ mới
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng Côn Sơn - Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia là việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, trước mắt, tại khu vực đền Kiếp Bạc có thể thu hút các gói đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao để xây dựng tuyến đường riêng trong khu vực, nối liền Kiếp Bạc - Côn Sơn. Phương tiện lưu thông là xe điện hoặc xe ngựa kéo. Hai bên đường có thể quy hoạch bố trí các khu vực nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm phù hợp, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, mua sắm của du khách. Tại khu vực đền Kiếp Bạc, xây dựng đội tàu, thuyền du lịch trên đoạn sông Lục Đầu. Khách đến tham quan có thể ngoạn cảnh trên sông, xem các trích đoạn về cảnh chống giặc của vua tôi nhà Trần, trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian độc đáo... Còn tại khu vực Côn Sơn, có thể tổ chức hoạt động cắm trại xung quanh hồ vào dịp cuối tuần. Nghiên cứu các sản phẩm lưu niệm đặc thù từ các làng nghề truyền thống của Hải Dương, các món ăn mang nét đặc thù riêng của khu di tích. Với tiềm năng du lịch thiên nhiên và các giá trị văn hóa độc đáo, thời gian tới, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có thể cung cấp thêm những sản phẩm du lịch sinh thái như tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, leo núi, cắm trại.
Để làm được điều đó cần nguồn vốn đầu tư lớn, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương), nguồn xã hội hóa, đặc biệt sự đầu tư của các doanh nghiệp. Để bảo đảm thu hút các nguồn lực đầu tư, Hải Dương xem xét có cơ chế, chính sách đặc thù, áp dụng riêng cho khu di tích nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển các sản phẩm, hạng mục trong khu du lịch.
Theo bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương), các mô hình dịch vụ du lịch thiền, nghỉ dưỡng ở Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam) thu hút nhiều du khách. Một trong những yếu tố hấp dẫn là cơ sở vật chất đồng bộ với các khu nghỉ dưỡng đẹp, dịch vụ tương đương khách sạn 3 sao như ăn sáng tự chọn, bồn ngâm chân muối hằng ngày... Ở Hải Dương, cơ sở vật chất như nhà hàng, khách sạn... chưa đủ để phát triển các dịch vụ nói trên. Tỉnh có thể nghiên cứu phát triển loại hình du lịch thiền, nghỉ dưỡng như tỉnh Ninh Bình, Hà Nam đã làm.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng khẳng định, Hải Dương luôn quan tâm đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương cần rà soát lại các tiêu chí, so sánh với thực tiễn khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã đáp ứng được những tiêu chí nào, tiêu chí nào chưa phù hợp. Từ đó đề ra kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ từng người, từng bộ phận.